Người đánh thức “mầm thiện”

Thứ hai 17/08/2020 07:11:38 Gương người tốt việc tốt

 “Ở đời không có con đường cùng”- là lời động viên khích lệ mà Trung tá  Lê Quang Hiệp, Phó Giám thị Trại giam Công an tỉnh luôn dành để động viên những người lầm đường lỡ bước. Có những người, trong những giây phút bốc đồng, không kiểm soát được hành vi và họ phải trả giá trước pháp luật. Những ngày tháng ở Trại giam, nhiều phạm nhân đã buông xuôi, thậm chí có người nghĩ đến cái chết. Thế nhưng bằng sự cảm thông sẻ chia, anh Lê Quang Hiệp đã luôn gần gũi, động viên các phạm nhân hướng thiện và khơi dậy khát vọng được làm lại cuộc đời trong mỗi người.

Cảm hóa bằng lòng bao dung

Làn da rám nắng, nụ cười thân thiện, trung tá Lê Quang Hiệp luôn tạo được sự gần gũi với người đối diện ngay từ lần gặp đầu tiên. Năm 20 tuổi, anh bắt đầu hành trình đánh thức những “mầm thiện” cho phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam Công an tỉnh.

Anh chia sẻ, dẫu biết rằng khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi học viên đều nhận thức đầy đủ những khó khăn của công tác quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân. Nhưng thực sự chỉ khi chính thức nhận nhiệm vụ mới thấy được trách nhiệm, áp lực đè nặng. Bởi giáo dục một người bình thường đã khó, giáo dục phạm nhân - những con người đã lầm đường, lạc lối trong nhân cách, nhận thức, hành động - còn khó khăn gấp bội phần. Chính vì thế anh luôn tâm niệm, mình phải cần có trách nhiệm và cố gắng hơn để giúp đỡ những người lầm đường lỡ bước hoàn lương, hướng thiện.

Đồng chí Trung tá Lê Quang Hiệp thường xuyên trò chuyện, động viên, cảm hóa phạm nhân.

Nhớ lại những ngày đầu nhận công tác, lúc nhận nhiệm vụ, tình hình phạm nhân phân trại khá nhiều thành phần phức tạp, nhiều tiền án, tiền sự, thường xuyên vi phạm, tìm cách chống đối. Anh Hiệp kể rằng, có trường hợp phạm nhận vào lúc nửa đêm giả vờ thắt cổ tử tử rồi kêu gào, gây chú ý để được giám thị đưa đi trạm xá điều trị; có trường hợp phạm nhân, đang tạm giam cố tình ra ngoài phơi đồ, tìm cách liên lạc để thông cung với đối tượng khác làm chậm quá trình điều ra. Chưa kể những đối tượng từng ra tù vào tội nhiều lần sẵn sàng sử dụng mọi thủ đoạn để hòng trốn trại.

Bằng kiến thức nghiệp vụ, anh Hiệp cùng đồng đội nhanh chóng phát hiện các chiêu bài để kịp thời xử lý, răn đe phạm nhân, chấn chỉnh kỷ luật trại giam. Anh Hiệp chia sẻ, để phạm nhân nhận ra lỗi lầm của mình, từ đó tự giác lao động, cải tạo tốt, sớm trở về với cuộc sống đời thường không phải là việc làm đơn giản. Đa số các phạm nhân khi mới vào trại đều có biểu hiện chống đối, sử dụng chiêu trò lưu manh tìm cách qua mặt các cán bộ quản giáo. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ làm công tác trại giam ngoài tinh thông nghiệp vụ thì phải biết cảm thông, chia sẻ với phạm nhân.

Điển hình như trường hợp có phạm nhân T bị bắt giam với tội danh là hủy hoại rừng. Ngày mới vào trại, T bất cần, chống đối, thường xuyên vi phạm nội quy, cải tạo kém. Lúc đó anh Hiệp đã nhiều lần gặp gỡ trực tiếp không kể khi lao động hay ngày nghỉ để chia sẻ, phân tích những đúng sai để T yên tâm cải tạo. Sự tâm huyết, bao dung của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, đặc biệt là sự quan tâm, chân thành của anh Hiệp đã thắp lên ngọn lửa yêu thương, ấm áp, giúp phạm nhân có thêm niềm tin, hi vọng trên cuộc hành trình tìm về nẻo thiện. Được biết, sau khi ra trại, T chăm chỉ lao động, kết hôn và hiện nay cuộc sống rất hạnh phúc.

Gương mẫu và trách nhiệm

Với sự nỗ lực trong công tác, được đồng nghiệp tín nhiệm, cấp trên tin tưởng, năm 2016 anh được lãnh đạo Công an tỉnh điều động giữ chức Trưởng Công an phường Tân Hà, thành phố Tuyên Quang.

Trên cương vị mới, nhận thức rõ trách nhiệm được giao, với vai trò của mình đồng chí Lê Quang Hiệp cùng tập thể thực hiện tốt công tác nhiệm vụ được giao. Đặc biệt không để xảy ra các trọng án nghiêm trọng, hình thành các băng, ổ nhóm lưu manh chuyên nghiệp, tội phạm sử dụng vũ khí nóng gây án tại địa bàn. Cụ thể: từ năm 2015 đến hết năm 2019 đã phát hiện và xử lý 34 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy; bàn giao hồ sơ vụ việc có dấu hiệu hình sự đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố để giải quyết theo thẩm quyền là 36 vụ; lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 340 vụ...

Năm 2019 đồng chí Lê Quang Hiệp được điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám thị Trại tạm giam. Dù đã quá quen với cái nghề “quanh năm bận rộn, tứ mùa khẩn trương” nhưng trên cương vị mới hiện nay, trọng trách nặng nề hơn cũng đặt ra cho anh nhiều thách thức. Bên cạnh thực hiện tốt việc chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ làm công tác tiếp nhận, đề xuất phân loại bố trí giam giữ, giáo dục người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Điều mà anh tâm đắc nhất là cách thức thu phục nhân tâm các phạm nhân.

Anh chia sẻ, phạm nhân có nhiều kiểu, người phạm tội có chủ ý, người thì lười lao động dẫn đến phạm tội, có người vì lòng tham mà phạm tội, cũng có người chỉ vì một bức xúc rất nhỏ trong cuộc sống không kiềm chế được dẫn đến phạm tội…Rất nhiều phạm nhân khi vào đây, nghĩ rằng trại giam là đường cùng, cuộc đời coi như đã kết thúc, thậm chí có phạm nhân suy nghĩ tiêu cực muốn tự tử.

Các phạm nhân được đồng chí Lê Quang Hiệp hướng dẫn lao động cải tạo, hướng nghiệp dạy nghề.

Phó Giám thị Hiệp đã dùng nhiều cách để ổn định tinh thần giúp phạm nhân cố gắng cải tạo tốt. Anh vừa trực tiếp trò chuyện, tâm sự, khích lệ vừa vận động người nhà trong quá trình thăm hỏi an ủi phạm nhân yên tâm cải tạo. Ngoài ra, anh tạo sự thân mật giữa các phạm nhân để họ ngày ngày động viên chia sẻ nhìn mọi thứ lạc quan để tự tin làm lại cuộc đời.

Phạm nhân M là người từng có ý nghĩ tiêu cực khi mới vào trại, nhờ được sự động viên kịp thời mà M đã yên tâm cải tạo. M tâm sự: “Ngày ấy, Phó Giám thị Lê Quang Hiệp đã nói với tôi rằng, ở đời không có con đường cùng. Và, không có con đường nào ngoài con đường cải tạo để sớm được trở về với gia đình. Nhiều đêm nằm nghĩ đến những điều mình đã làm, nghĩ đến những lời Phó Giám thị và mọi người nói, tôi đã khóc… Sau nhiều đêm mất ngủ, tôi tỉnh ngộ, hiểu ra lỗi lầm của mình, chấp hành cải tạo cho tốt, mong sớm được trở về”.

Chính sự tận tâm, nhiệt tình với công việc mà anh Hiệp cùng với tập thể cán bộ, chiến sĩ luôn nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của phạm nhân từ nơi ăn, chốn ở, đến sân chơi thể thao và các hoạt động văn hóa văn nghệ thường niên…Những điều đó đã góp phần quan trọng giúp phạm nhân yên tâm cải tạo.

Trung tá  Hiệp tâm sự rằng, khi mỗi nhiệm vụ được hoàn thành, chứng kiến nhiều phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy, xếp loại cải tạo kém trở nên yên tâm tư tưởng, phấn đấu cải tạo, chấp hành tốt; nhiều phạm nhân được hoàn lương trở về với gia đình và xã hội…anh lại tìm thấy niềm vui, thấy được ý nghĩa nhân văn của nghề, càng có động lực gắn bó với nghề mình đã chọn.

Với những đóng góp của mình nhiều năm qua, Trung tá  Lê Quang Hiệp nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ Công an và Công an tỉnh. Anh là một trong những cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phong trào thi đua yêu nước trong Đảng bộ công an tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020.

Bài, ảnh: Hoàng Hải Vân

 

Quay lại
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC
Bài mới đăng