NÂNG CAO ĐỜI SỐNG CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC MÔNG XOÁ BỎ LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ CÔNG TÁC NHÂN QUYỀN

Thứ hai 08/04/2024 14:19:07 Hoạt động Công an tỉnh

Gần đây, tổ chức phi chính phủ “Theo dõi Nhân quyền” có trụ sở ở nước ngoài đã ban hành báo cáo có nhiều nội dung sai sự thật về công tác nhân quyền ở Việt Nam; đây không phải lần đầu tiên tổ chức này đưa ra luận điệu nhằm phủ nhận những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc, trong đó có dân tộc Mông. Các báo cáo trước đây của tổ chức này đều bị phản bác bởi cộng đồng quốc tế vì chúng tỏ rõ thái độ định kiến nhằm vu cáo, bịa đặt tình hình tại Việt Nam.

Các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta có đông đồng bào dân tộc thiểu số định cư, trong đó có đồng bào dân tộc Mông; đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người Mông luôn luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể các cấp, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 để khẳng định rõ quan điểm của Đảng về công tác dân tộc, trong đó nêu: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển, cùng nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ dân tộc”. Đối với riêng đồng bào dân tộc Mông, Đảng ta đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 23/9/1994 về một số công tác vùng đồng bào dân tộc Mông và Thông báo số 64-TB/TW ngày 09/3/2007 để chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc Mông...

             

Tỉnh Tuyên Quang có 22 dân tộc, người Mông chiếm khoảng 2,4% dân số toàn tỉnh; xác định công tác ở trong vùng dân tộc Mông là một nhiệm vụ quan trọng, trong giai đoạn 2010-2020, tỉnh đã thành lập và duy trì Ban Chỉ đạo 45 (Ban chỉ đạo thực hiện một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông theo tinh thần Chỉ thị số 45-CT/TW của Ban Bí thư); Ban Chỉ đạo đã triển khai đầy đủ các nội dung công tác của Chỉ thị 45 và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Tạo điều kiện hỗ trợ đất sản xuất, nâng cao mọi mặt trong vùng đồng bào dân tộc Mông để thực hiện công tác định canh định cư; cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể thường xuyên tổ chức, quán triệt, triển khai đến đồng bào Mông các nội dung, văn bản về tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội: đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch sắp xếp lại khu dân cư; khai thác thế mạnh của từng vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho sản xuất và cho đời sống của người Mông; phát triển chính sách giáo dục, tạo điều kiện cho các em học sinh người Mông học ở các trường phổ thông nội trú, xét tuyển vào các trường chuyên nghiệp theo chế độ cử tuyển; phối hợp mở các lớp dạy tiếng dân tộc Mông cho cán bộ, giáo viên đang công tác trong vùng đồng bào dân tộc Mông; phủ sóng truyền hình để đồng bào có điều kiện xem kênh truyền hình VTV4 dành cho khán giả là người dân tộc thiểu số; các xã đều có trạm y tế để khám chữa bệnh kịp thời...

Thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; nhiều hộ gia đình người Mông ở Tuyên Quang được hỗ trợ đất để làm nhà ở và sản xuất; trong số đó có nhiều tấm gương đồng bào Mông cố gắng vươn lên để phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Tấm gương anh Giàng Seo Mua, thôn Vàng On, xã Trung Minh (huyện Yên Sơn) đã có nhiều nỗ lực trong học tập, công tác và làm kinh tế bằng việc trồng rừng. Hoặc tấm gương anh Sùng A Lầu, thôn Lũng Vài, xã Côn Lôn (huyện Na Hang) đã mang cây ngô lai về phát triển tại vùng đất của đồng bào dân tộc Mông sinh sống, giúp đồng bào thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Để ghi nhận những đóng góp của những tấm gương tiêu biểu trong đồng bào dân tộc Mông, các cấp uỷ, chính quyền đã tặng giấy khen và kịp thời biểu dương và tuyên truyền, nhân rộng góp phần lan toả những điển hình tích cực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Mông, đập tan mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác nhân quyền và cụ thể là những thông tin bịa đặt về việc Đảng ta chưa quan tâm đến đời sống đồng bào dân tộc Mông.

Theo Người Tuyên Quang

Quay lại
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC
Bài mới đăng
Bài ngẫu nhiên