Di tích Nha Công an Trung ương - địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống

Thứ năm 15/08/2019 21:04:48 Giới thiệu

Khu di tích lịch sử Công an nhân dân Việt Nam (Di tích Nha Công an Trung ương) tại thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh (Sơn Dương) là một phần thuộc Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, nơi ở và làm việc của Nha Công an Trung ương từ tháng 4-1947 đến tháng 9-1950. Trước đây, toàn bộ nhà ở và làm việc của các bộ phận trong Nha Công an Trung ương được phân bố trên 2 quả đồi lớn, thường được gọi là đồi A và B. Hai quả đồi này nằm liền nhau và sát cánh đồng Lũng Cò. Từ đây có thể quan sát được cả một vùng rừng núi, xóm làng rộng lớn thuận tiện cho việc đi lại hội họp. Phía sau hai quả đồi có núi Đền bao bọc, địa thế kín đáo và hiểm yếu rất thuận lợi cho việc bảo vệ. Nơi đây đã chứng kiến những bước trưởng thành của toàn lực lượng, nơi Nha công an Trung ương ra những chỉ thị, nghị quyết quan trọng, nơi diễn ra những sự kiện lịch sử có ý nghĩa hết sức lớn lao đối với CAND.

Quảng trường 19-8 được đặt tên theo ngày truyền thống CAND. Nổi bật trước Quảng trường là cờ Tổ quốc và cờ Đảng được xây dựng bằng đá tự nhiên với thế dựa vào núi vững chắc, thể hiện cho ước vọng đất nước, Đảng mãi trường tồn. Để tỏ lòng tri ân và giáo dục truyền thống đối với các thế hệ cán bộ CAND, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã cho khắc tên của 13.689 liệt sĩ lên bia ghi danh phía sau của hai lá cờ.

Tượng đài “Bảo vệ an ninh tổ quốc”, toạ lạc trên đỉnh đồi B, vị trí trung tâm khu di tích, tượng có trọng lượng hoàn thiện là 420 tấn. Đây là công trình văn hoá độc đáo không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, nội dung mà còn có giá trị về nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc... Quần thể tượng đài rộng gần 3.000 m2, làm hoàn toàn bằng đá tự nhiên với trung tâm là Tượng đài “Bảo vệ an ninh tổ quốc” được làm bằng đá granite nguyên khối, có chiều cao 21,6 m, đường kính lớn nhất là 4,5 m, hướng về Thủ đô Hà Nội. Tượng đài gồm 5 nhân vật đại diện cho các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc. Trên đỉnh là lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng cùng thanh bảo kiếm hướng lên trời cao.


Phía sau của Tượng đài là bức phù điêu bằng đá granit đỏ, khắc họa 39 sự kiện bằng hình ảnh được chọn lọc tiêu biểu nhằm thể hiện một cách khái quát nhất các hoạt động nổi bật trong chiến đấu, xây dựng, trưởng thành của lực lượng CAND cùng với toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bức phù điêu là một công trình văn hoá tiêu biểu, độc đáo tôn vinh quá trình hình thành và phát triển ngành công an nhân dân Việt Nam. Nhìn từ xa có thể thấy bức phù điêu như một áng mây đang toả hào quang rực rỡ.


Với mục đích giáo dục truyền thống vẻ vang của ngành đối với  mỗi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân, năm 2010 cùng với việc xây dựng bức Phù điêu, lãnh đạo Bộ Công an đã quyết định cho khắc tên của 630 tập thể và 336 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thuộc lực lượng CAND lên bảng vàng phía sau của bức phù điêu.


Bảo tàng Công an nhân dân tại Khu di tích Nha Công an trung ương tại khu di tích. Nơi đây hiện lưu giữ trên 2.000 hiện vật - một kho tư liệu vô giá của lực lượng Công an nhân dân qua các thời kỳ.


Tầng dưới là nơi trưng bày các hiện vật của lực lượng CAND 63 tỉnh, thành phố.


Đại úy Nguyễn Như Trang, Trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử Công an Việt Nam cho biết, hiện Ban Quản lý có 28 cán bộ, chiến sỹ trực tiếp chăm sóc, bảo quản, giữ gìn khu di tích. Hàng năm nơi đây đón hàng nghìn lượt khách tới thăm quan, tìm hiểu về di tích. Tất cả sự trưởng thành, phát triển và những chiến công của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam anh hùng đã được thể hiện sinh động, trang trọng và mang tính nghệ thuật sâu sắc trong từng hiện vật, bức ảnh của bảo tàng. Khách tham quan đều thấy rõ bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng Công an nhân dân trong suốt 74 năm qua. Đây là  địa chỉ đỏ cho mọi cán bộ, chiến sĩ Công an và của mọi người dân Việt Nam.

Thanh Phúc

Theo baotuyenquang.com.vn

 

Quay lại
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC
Bài ngẫu nhiên