Một số lưu ý khi chia sẻ, bình luận thông tin qua mạng xã hội Facebook!

Thứ năm 14/09/2017 10:53:21 Tin tức thời sự
 
 

Vài năm trở lại đây, mạng xã hội Facebook đã trở thành kênh thông tin, giải trí đa chiều thịnh hành ở Việt Nam. Không chỉ riêng giới trẻ "chơi Face", Facebook còn "mê hoặc" nhiều độ tuổi khác nhau. Tại Việt Nam hiện nay có khoảng 35 triệu người (khoảng 1/3 dân số cả nước) có tài khoản Facebook, trong đó khoảng 21 triệu người truy cập hàng ngày. 

Mạng xã hội Facebook do Zuckerberg thành lập vào năm 2004, tính đến nay, ước chừng có gần 2 tỉ người trên toàn thế giới sử dụng. So với các trang mạng xã hội khác, đây là trang có tài khoản tích cực lớn nhất hiện nay. Chỉ cần thiết lập một tài khoản gmail (hộp thư điện tử), thêm vài thao tác trên trang chủ, người dùng đã có ngay một “tài khoản Facebook” như ý muốn. Từ đây, người dùng có thể tham gia, kết nối các mạng lưới được tổ chức theo thành phố, nơi làm việc, trường học và khu vực để liên kết và giao tiếp với người khác một cách dễ dàng. Mọi người cũng có thể kết bạn và gửi tin nhắn cho nhau, cập nhật trang hồ sơ cá nhân của mình để thông báo cho bạn bè biết. Bên cạnh chức năng giao lưu, kết bạn, chia sẻ thông tin, người sử dụng Facebook có thể cập nhật được nhiều thông tin nhanh chóng, kịp thời, đôi khi tìm kiếm được nguồn thông tin “nóng” mà báo chí chưa hề biết đến.

Điển hình cho sự soán ngôi của mạng xã hội trong vai trò đưa tin là ở sự kiện ngày 13/11/2015, lúc 21 giờ (khoảng 3 giờ sáng ngày 14/11/2015 của Việt Nam), cả thế giới bàng hoàng vì 6 vụ tấn công khủng bố ở Thủ đô Paris của nước Pháp: 129 người chết, một khung cảnh hỗn loạn và hoang mang chưa từng có từ sau Thế chiến thứ 2 diễn ra. Thế nhưng, phải đến hơn 7 giờ sáng ngày 14/11/2015, Vnexpress.net mới có chùm ảnh đầu tiên về hiện trường vụ tấn công này. Trong khi đó, thông tin, hình ảnh này đã xuất hiện trên Facebook và nhiều người sử dụng mạng xã hội trong thời gian này đã tiếp nhận được thông tin, không phải qua báo chí.

Hoặc như vào năm 2016, công chúng biết đến vụ tông xe liên hoàn trên cầu vượt Thái Hà đầu tiên là từ mạng xã hội như:  Facebook, YouTube. Sau đó báo chí mới đồng loạt đưa tin, trong đó rất nhiều báo phải sử dụng đến hình ảnh, video lấy từ mạng xã hội Facebook - do những người sử dụng mạng này thông tin, chia sẻ.

Vai trò của Facebook trong đời sống xã hội hiện nay là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, độ tin cậy của các thông tin đưa trên mạng xã hội Facebook đang là vấn đề rất đáng quan tậm hiện nay, đòi hỏi người sử dụng phải luôn “tỉnh táo” trước khi có ý định bình luận, thích và đặc biệt là “chia sẻ” bởi có thể những hành động này của người dùng Facebook vô tình lại tiếp tay cho những kẻ xấu lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.

Năm 2016, tài khoản Facebook “Toyota Việt Nam” đăng tải thông tin: Nhân dịp Toyota Việt Nam kỷ niệm 80 năm thành lập nên tặng 80 chiếc Toyota Land Cruiser Prado 2016 cho 80 người may mắn nhất Việt Nam vào ngày 28/5/2016. Để có cơ hội nhận giải thưởng giá trị trên, người dùng Facebook chỉ cần nhấn nút like (thích) fanpage, bình luận (comment) màu sắc yêu thích, cuối cùng là chia sẻ (share) công khai trên Facebook cá nhân. Trang Facebook này còn khẳng định sẽ nhắn tin và công khai người trúng thưởng vào 8 giờ 28 phút ngày 28/5/2016 tại địa chỉ này và website của Toyota Việt Nam. Chỉ trong vài giờ đồng hồ, nội dung này này đã có hàng chục nghìn lượt “thích” và “chia sẻ”. Tuy nhiên, sau đó, nhiều báo, đài vào cuộc phỏng vấn, đại diện công ty Toyota khẳng định: “Đến nay, Toyota Việt Nam không có bất kỳ chương trình nào như các fanpage đã đưa nội dung như trên. Nếu có thì đây là hành vi lừa đảo khách hàng và làm phương hại đến uy tín của Toyota Việt Nam”. Thế nhưng với chiêu thức như thế này, chỉ sau một thời gian ngắn, các đối tượng thu hút được hàng triệu lượt like và hàng nghìn lượt người sử dụng Facebook chia sẻ, bình luận.

Đây chỉ là một trong những ví dụ điển hình của việc cố ý sử dụng Facebook đưa thông tin với mục đích cá nhân. Vậy, tại sao các đối tượng lại thực hiện được chiêu trò này một cách rộng rãi và những yếu tố nào tác động để các đối tượng có thể thực hiện được hành vi trên?

Tìm hiểu các vụ việc đưa thông tin thất thiệt trên mạng xã hội Facebook, chúng tôi nhận thấy, các đối tượng sử dụng chiêu trò này với các mục đích khác nhau, trong đó tập trung vào các mục đích sau:

Một là, nhiều vụ việc các đối tượng thực hiện với mục đích là để “câu like”.

Đối với các đối tượng nhàn rỗi, thích thể hiện mình, câu like chỉ để thể hiện “đẳng cấp” bản thân. Do đó, các đối tượng nghĩ ra những chủ đề “hot”, “giật gân” với những hình ảnh minh họa “chân thật” (có thật nhưng sai thời gian, địa điểm) rồi đưa tin lên Facebook. Khi thực hiện các hành vi này, lúc đầu các đối tượng không lường hết hậu quả xảy ra, chỉ mong muốn tạo nên một làn sóng dư luận “cho vui”. Thế nhưng, cùng với sự nhiệt tình “chia sẻ”, “bình luận”, người sử dụng Facebook vô tình tạo nên những dư âm khác nhau và rất nhiều trong số đó tạo nên sự hoang mang, lo lắng trong dư luận. Như vụ tung tin đồn "ma cà rồng" của hai học sinh lớp 12 là Lò Văn P., 18 tuổi và Trần Duy Q., 20 tuổi, cùng trú tại huyện Sông Mã, tỉnh Điện Biên: Hai đối tượng đã đưa lên Facebook cá nhân hình ảnh hai học sinh bị ngã xe giữa đường khi đường vắng không có người qua lại và tung tin đó là do "ma cà rồng" đến bắt người; hậu quả là đã có khoảng 20 học sinh người dân tộc, chủ yếu là học sinh nội trú bị gia đình bắt về nhà để làm lễ buộc chỉ tay cho ma không bắt và một số học sinh do lo sợ bị ma bắt đã nghỉ học. Hay các vụ tung tin đồn bắt cóc trẻ em ở Hà Nội, Buôn Ma Thuật… tạo ra nhiều hoang mang trong quần chúng nhân dân, khiến nhiều cha mẹ không dám cho con ra đường vì sợ bắt cóc.

Hai là, tung tin đồn thất thiệt với mục đích câu like để “bán hàng”, lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thủ đoạn của các đối tượng này là đưa thông tin đi kèm với những đường dẫn để người xem truy cập vào các trang web khác nhằm thu lợi bất chính, thu hút sự chú ý nhằm quảng cáo, bán hàng hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chẳng hạn trường hợp hai đối tượng Ngô Bá Sơn (SN 1984), Vũ Văn Bằng (SN 1989), đều trú quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã sử dụng các tài khoản Facebook "Phạm Anh Tuấn" và tài khoản Facebook "Cao Huy Phu" cùng hàng chục tài khoản khác đăng bài viết có nội dung một nữ sinh viên bị hiếp, giết lên Internet gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng tâm lý của sinh viên Trường đại học Công nghiệp Hà Nội và người dân, ảnh hưởng đến ANTT. Khi các bài viết được đăng lên, có hàng trăm ngàn lượt người xem và chia sẻ, bình luận các thông tin này. Tổng cộng, Ngô Bá Sơn và Vũ Văn Bằng đã điều hướng được khoảng 2.500.000 lượt người truy cập vào các website khác nhau và thu lợi được hơn hai mươi triệu đồng.

Nhưng nhiều trường hợp, thủ đoạn trên không dừng lại ở đó. Qua các lượt thích, bình luận, chia sẻ trên bài viết dạng câu like này, kẻ xấu có thể lợi dụng thông tin thu thập được như một cửa ngõ để thu thập các thông tin quan trọng hơn như mật khẩu, thẻ tín dụng hoặc hơn thế là lừa đảo qua tìm hiểu thông tin cá nhân được người dùng đăng tải.

Chẳng hạn như vụ án Công an thành phố Hà Nội khởi tố hai đối tượng: Nguyễn Tuấn Anh (23 tuổi, Vị Xuyên, Hà Giang) và Đỗ Văn Dũng (20 tuổi, Vĩnh Linh, Quảng Trị) vào năm 2015 về tội lừa đảo chiếm đoạn tài sản trên mạng xã hội. Theo đó, Nguyễn Tuấn Anh lập trang web www.bugthecao.com, Đỗ Văn Dũng lập trang napthe3s.com và thecao3s.com đăng thông tin về việc nạp thẻ tại đây sẽ được gấp 10 lần giá trị thẻ nạp. Để chiếm lòng tin của người sử dụng Facebook, chúng tung tin "có người nhà trong nội bộ Viettel" và nhiều chiêu trò khác, hướng dẫn người truy cập thực hiện các thao tác để được nhận khuyến mãi mà thực chất là bị lừa. Khi người dùng kích vào để xem thì sẽ được chuyển tới trang website chúng lập trình kèm theo hướng dẫn cách nạp thẻ rồi chiếm đoạt.Với thủ đoạn này, Nguyễn Tuấn Anh đã lừa đảo và chiếm đoạt 8 triệu đồng, Đỗ Văn Dũng chiếm đoạt 30 triệu đồng.

Ba là, tung tin đồn thất thiệt với mục đích bôi xấu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; chống đối chính quyền…

Thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là giả mạo, cắt xén, ngụy tạo bằng chứng để vu cáo; sử dụng thông tin cũ với những luận điệu mới; lợi dụng những vấn đề chính trị, thời sự để tung tin thất thiệt, tạo dư luận xấu; từ các vụ việc tiêu cực, tham nhũng để quy chụp do đường lối của Đảng, Nhà nước và chế độ. Các đối tượng đặt tên trang mạng, blog và đặt các tiêu đề, tên bài với ngôn từ giật gân, kích thích tính tò mò của người đọc, người xem, đăng tải tin, bài viết, video clip có nội dung phản động, thật giả lẫn lộn. Trong năm 2016, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 800 tài khoản Facebook, gần 300 kênh Youtube do các đối tượng chống đối trong và ngoài nước quản trị thường xuyên đăng tải thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm công kích, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận về vấn đề chính trị, kinh tế Việt Nam. 

Mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc, tuy nhiên, các thủ đoạn này vẫn liên tiếp xuất hiện trên mạng xã hội Facebook, số lượng người bị lừa đảo cả về “tinh thần” và “vật chất” tiếp tục gia tăng. Trong đó, tác nhân để các đối tượng thực hiện được hành vi phạm tội này một phần là nhờ những lượt “thích”, “chia sẻ” của những người tham gia Facebook. Chính vì những ý nghĩ rất đơn giản “chia sẻ thông tin khuyến mãi thì mình không mất gì mà lỡ khuyến mại thật thì biết đâu mình lại trúng thưởng”; “tưởng thông tin đó là thật thì mình bình luận thôi” hay những ý nghĩ rất tích cực “chia sẻ để mọi người biết mà tránh”… nhưng lại không hề kiểm chứng thông tin mình bình luận, chia sẻ là đúng hay sai, có cơ sở hay không. Do đó, trong rất nhiều trường hợp, người sử dụng Facebook đã tự biến mình thành nạn nhân, thành cầu nối cho các trò lừa đảo qua Facebook.

Để không trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo trên, người sử dụng Facebook cần chú ý những nội dung sau:

Thứ nhất, cần rất thận trọng khi chia sẻ nội dung thông tin trên trang cá nhân, bình luận thông tin khi nội dung đó chưa được kiểm chứng, đặc biệt là những thông tin liên quan đến khuyến mại, thông tin về các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và những người nổi tiếng.

Thứ hai, những thông tin chưa rõ ràng, gây hoang mang dư luận, người dùng mạng nên tỉnh táo, bình tĩnh nhận định qua nhiều kênh thông tin khác trước khi phản hồi, bình luận hay chia sẻ. Với những trao đổi nghi ngờ lừa đảo như nhờ thông tin về khuyến mại, thông tin về các chương trình trao thưởng… người sử dụng Facebook cần truy cập đến địa chỉ các trang web chính thức của các đơn vị chủ quản, gọi điện cho các đơn vị đó hoặc gọi điện thoại cho những người thân quen (nếu có)… để xác thực thông tin trước khi có ý định bình luận, chia sẻ.

Ba là, tự trang bị kiến thức nhận biết dấu hiệu của các tin chính thống, thông tin thất thiệt trên mạng xã hội Facebook để lựa chọn đọc, bình luận, chia sẻ. Cụ thể là các bài viết với mục đích lừa đảo thường xuất phát từ những trang web không chính thống, trang Facebook lừa đảo. Mở đầu các bài viết bằng cách xưng hô thân mật, chân tình nhằm đánh động vào tâm lý của người đọc, ví dụ “các mẹ nên chú ý…”, “cả nhà đã biết tin gì chưa…”, “mình mới nhận được tin này từ một người bạn…”; hoặc kiểu giật gân như: “Hãy share ngay…”, “Đừng chần chừ…”, “Hãy chia sẻ cho mọi người cùng biết để phòng tránh…”, “Chia sẻ điều này sẽ giúp ích được nhiều người…”. Nội dung các bài viết này thường hướng đến các sự kiện giật gân, trái với luân thường, đạo lý nhằm đánh vào tâm lý tò mò muốn xem, tìm hiểu của con người…

Thứ tư, để sử dụng mạng xã hội hiệu quả, an toàn, người dùng nên tăng cường tính bảo mật tài khoản để tránh người khác hoặc tội phạm chiếm đoạt, sử dụng cho mục đích xấu. Trang bị các phần mềm diệt vi rút bản quyền cho máy tính, thường xuyên cập nhật phần mềm mới cho điện thoại cũng là một cách hiệu quả để bảo vệ tài khoản Facebook không bị xâm nhập bởi các nội dung thất thiệt của các đối tượng lừa đảo./.

Trần Như Mai - Tạp chí CSND, T32

Quay lại
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC
Bài mới đăng
Bài ngẫu nhiên