GIA TĂNG TỘI PHẠM SỬ DỤNG TIỀN GIẢ VÀO DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN

Thứ sáu 16/02/2024 08:55:36 Phương thức, thủ đoạn

Ngày 01/02/2024, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận nguồn tin về tội phạm tiền giả. Trong vòng 24 giờ, Cơ quan An ninh điều tra đã tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ hành vi của đối tượng phạm tội; đồng thời, ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với N.X.L sinh năm 2006, trú tại Thừa Thiên Huế về hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả, quy định tại Điều 207, Bộ luật hình sự.

Thủ đoạn của các đối tượng tội phạm tiền giả thường là:

Dùng tiền giả mệnh giá lớn để mua hàng hóa có giá trị nhỏ hoặc đổi lấy tiền mệnh giá nhỏ để được trả lại bằng tiền thật;

Sử dụng xen lẫn tiền giả với tiền thật để mua hàng hóa;

Các đối tượng thường nhằm vào những người buôn bán nhỏ, người già… ở vùng nông thôn nơi người dân ít thông tin về nhận biết tiền giả;

Trước khi mua hàng, đối tượng thường gây ra các hành vi khiến người bán hàng mất tập trung, thiếu cảnh giác.

Vào dịp Tết Nguyên đán, người dân có nhu cầu mua bán, giao dịch thương mại tăng cao, đây cũng là thời cơ thuận lợi để các đối tượng dễ dàng tiêu thụ tiền giả. Để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, bên cạnh sự quyết tâm của lực lượng Công an, mọi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh để các đối tượng lợi dụng sơ hở hoạt động phạm tội; nhất là nắm vững một số kiến thức cơ bản về nhận biết tiền giả như sau:

Soi trước nguồn ánh sáng: Ở tiền giả có hình bóng chìm không tinh xảo; các chữ, số trên dây bảo hiểm không rõ ràng, không sắc nét; một số trường hợp không có yếu tố này; hình định vị không khớp khít, các khe trắng không đều nhau.

Kiểm tra bằng cách vuốt nhẹ tay lên tờ tiền (kiểm tra các yếu tố in lõm): Ở tiền giả vuốt nhẹ tay chỉ có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp như ở tiền thật hoặc có cảm giác gợn tay do vết dập trên nền giấy, không phải do độ nổi của nét in.

Chao nghiêng tờ tiền (kiểm tra mực đổi màu, IRIODIN, hình ẩn nổi): Ở tiền giả có làm giả yếu tố OVI nhưng không đổi màu, hoặc có đổi màu nhưng không đúng màu như ở tiền thật; không có yếu tố IRIODIN hoặc có in giả dải màu vàng nhưng không lấp lánh như ở tiền thật.

Kiểm tra các cửa sổ trong suốt (số mệnh giá dập nổi và yếu tố hình ẩn): Ở tiền giả cụm số mệnh giá dập nổi trên cửa sổ lớn không tinh xảo như tiền thật, trong cửa sổ nhỏ không có yếu tố hình ẩn.

Dùng kính lúp, đèn cực tím (kiểm tra chữ in siêu nhỏ, các yếu tố phát quang): Ở tiền giả không có mảng chữ siêu nhỏ hoặc các dòng chữ, số không sắc nét, rất khó đọc; không có mực không màu phát quang hoặc có làm giả nhưng phát quang yếu; số sêri không phát quang hoặc phát quang không giống như ở tiền thật.

 

Quay lại
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC
Bài mới đăng
Bài ngẫu nhiên