HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Chủ nhật 19/11/2023 23:37:50 Đoàn thanh niên

Tư tưởng và tình cảm của Bác Hồ với phụ nữ

Trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc cũng như trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác luôn đặt ra yêu cầu bức thiết phải giải phóng “nửa thế giới” khỏi “xiềng xích nô lệ”, phải cởi trói cho phụ nữ.

Bác khẳng định:“Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi”.

Cách mạng Tháng 8 thành công, trong Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2-9-1945, Bác trịnh trọng tuyên bố với thế giới và quốc dân đồng bào: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Những quyền ấy được Bác trích trong Tuyên ngôn độc lập năm 1976 của nước Mỹ. Nhưng trong xã hội Mỹ chỉ những người đàn ông da trắng, theo đạo Tin Lành có tài sản mới được bầu cử, các giai tầng khác mãi đến đầu thế kỷ 19 và phụ nữ Mỹ, năm 1920 mới giành được quyền đi bầu cử (sau 144 năm giành độc lập)…

Song, với Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ thì “tất cả mọi người” Việt Nam đều là những người có quyền đi bầu cử Quốc hội vào ngày 6-1-1946:“Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền bầu cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”.

Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1946“… tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân”.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác không chỉ quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ mà còn nhìn thấy sức mạnh to lớn của họ đối với cách mạng và Bác cũng là người tiếp thêm sức mạnh cho chị em vùng dậy đấu tranh, giành độc lập dân tộc.

Bác nêu ra nhiều tấm gương chiến đấu hy sinh của phụ nữ vì Tổ quốc như Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng từ buổi bình minh của lịch sử và kêu gọi chị em: Như buổi ấy là buổi phong kiến mà đàn bà, con gái còn biết cách mệnh.

Huống chi bây giờ hai chữ “nữ quyền” đã rầm rầm khắp thế giới, chị em ta lại gặp cảnh nước suy vi, nỡ lòng nào ngồi yên được! Chị em ơi! Mau mau đoàn kết lại! Từ ngày dân Việt Nam tranh được chính quyền, phụ nữ đều ra sức gánh vác công việc… việc gì phụ nữ cũng hăng hái.

Trong 2 cuộc kháng chiến, nhiều chị em đã tham gia kháng chiến và làm tròn trọng trách cách mạng mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Chị em là cán bộ lãnh đạo, là anh hùng, chiến sĩ thi đua trong lao động và chiến đấu, là dũng sĩ từ tiền tuyến lớn miền Nam có dịp ra thăm miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã được Bác Hồ ân cần đón tiếp, tặng hoa và quà, được ăn cơm hoặc xem văn nghệ cùng Người.

Bác Hồ luôn luôn coi lực lượng phụ nữ là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng, một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm mọi thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Vì vậy, ghi nhận những thành tích đóng góp của phụ nữ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, Người tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” và khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Đây chính là sự khẳng định của Bác về vị trí, vai trò không thể thiếu của phụ nữ Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Bác không chỉ nêu lên vai trò, vị trí của người phụ nữ đối với xã hội mà còn là người đi tiên phong trong phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng nam nữ. Người chỉ rõ: công tác phụ nữ trong xây dựng CNXH, một trong những nội dung quan trọng là phải đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ.

“Đảng và Chính phủ ta luôn luôn chú ý nâng cao địa vị của phụ nữ. Hiến pháp định rõ “nam nữ bình đẳng” và luật lấy vợ lấy chồng… đều nhằm mục đích ấy”. Người nhắc nhở các cấp, các ngành… phải kính trọng phụ nữ, quan tâm đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của nữ giới.

Những lời dạy của Bác thể hiện sự quan tâm sâu sắc, đồng thời cũng tỏ rõ tình cảm của mình giành cho “nửa thế giới”. Người luôn đấu tranh để cho phụ nữ được hưởng quyền bình đẳng với nam giới. Bình đẳng không chỉ về chính trị mà còn từ thực tiễn sinh hoạt của đời sống xã hội và trong gia đình.

Về thăm và nói chuyện với đồng bào, cán bộ tỉnh Thái Bình năm 1966 – Quê hương của chị Hai Năm tấn, sau khi phân tích tình hình, chỉ rõ nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu, Bác nhấn mạnh: “… phải kính trọng phụ nữ. Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau.

Lênin dạy chúng ta: phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ. Nhưng Bác nghe nói vẫn có người đánh chửi vợ! Đó là một điều đáng xấu hổ…

Bác mong rằng: Từ nay về sau sẽ không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa”. Bác luôn trân trọng, thương yêu và coi “Phụ nữ Việt Nam là chị em của tôi”.

Bác không chỉ là người đầu tiên đề cập đến vấn đề giải phóng phụ nữ, khẳng định vai trò, vị trí của họ đối với gia đình và xã hội, đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho họ mà còn luôn động viên, khuyên bảo, nhắc nhở chị em phải tự cố gắng học tập, sáng tạo vươn lên để khẳng định mình chứ không phải chờ Đảng, Chính phủ đề ra các chủ trương, chính sách.

Trong buổi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình, Người phân tích: Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước.

Nhưng phụ nữ ta cần phải cố gắng nhiều để theo kịp chị em các nước bạn, góp phần nhiều hơn nữa trong việc xây dựng CNXH. Người căn dặn: Tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng CNXH.

Muốn làm trọn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xoá bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hoá, kỹ thuật.

Cả cuộc đời 79 mùa xuân, Bác đã giành trọn vẹn cho dân cho nước. Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng để lại cho dân cho nước, Bác căn dặn toàn Đảng, toàn dân “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất.

Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

* Ý nghĩa câu chuyện:

Câu chuyện cho thấy những thành tích mà chị em phụ nữ đã đạt được, những hy sinh to lớn của họ. Không chỉ anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, đảm đang trong lo toan gia đình, phụ nữ Việt Nam còn có truyền thống “thông minh, sáng tạo”.

Ngay từ thời phong kiến, mặc dù địa vị xã hội của phụ nữ không được coi trọng, nhưng đã xuất hiện những con người làm nên lịch sữ. Cùng với những đức tính quý báu đó, chúng ta còn nghĩ đến những đức tính cần cù, hy sinh, nhẫn nhịn, vị tha, khiêm như­ờng, thủy chung như một nét đẹp đặc trưng của phụ nữ Việt Nam.

* Bài học kinh nghiệm:

Khắc sâu lời dạy và thực hiện tâm nguyện của Bác, phụ nữ ngày nay đã được giải phóng, bình đẳng trên mọi lĩnh vực. Được tham gia học tập nâng cao trình độ nhận thức , kỹ năng nghề nghiệp, tham gia công tác xã hội ngày càng nhiều, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách liên quan đến quyền và nghĩa vụ của phụ nữ.

Trong giai đoạn hiện nay phụ nữ Việt Nam cần cố gắng học tập, công tác, từng bước vươn lên và ngày càng khẳng định vị thế của mình trong xã hội và trên trường quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguồn: Sưu tầm

Quay lại
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC
Bài mới đăng
Bài ngẫu nhiên