Thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ công tác Công an (CHUYÊN MỤC TUYÊN TRUYỀN CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA - ĐOÀN THANH NIÊN CÔNG AN TỈNH TUYÊN QUANG)

Thứ hai 19/06/2023 23:43:10 Đoàn thanh niên

Ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành Công an ngày càng được quan tâm, mục tiêu triển khai ứng dụng trong hầu hết các mặt công tác nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Công an các cấp, cải cách hành chính, hành chính công, tạo nền tảng chuyển đổi số và từng bước hoàn thiện Chính phủ điện tử trong CAND.

 

Phát triển hạ tầng kỹ thuật

Thời gian qua, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, để đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ quá trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử trong CAND, Bộ Công an đã đẩy mạnh đầu tư, phát triển ứng dụng CNTT trong CAND và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trong đó, đã hình thành hệ thống mạng dùng riêng trong ngành Công an đến cấp xã; từng bước xây dựng, phát triển các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu điện tử quan trọng phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành Công an, tạo nền tảng phát triển và từng bước hoàn thiện Chính phủ điện tử trong CAND, cung cấp các dịch vụ hành chính công điện tử phục vụ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời, hình thành hệ thống thông tin chỉ huy, hội nghị truyền hình từ Bộ đến Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đảm bảo an ninh mạng, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao; từng bước hiện đại hóa các hệ thống kỹ thuật nghiệp vụ của các lực lượng; đảm bảo an ninh, an toàn thông tin số, triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm phát hiện và ngăn chặn mã độc, virus, khắc phục sự cố gây mất an ninh, an toàn thông tin…

Đặc biệt, sự hình thành và đi vào hoạt động có hiệu quả của 6 trung tâm dữ liệu tại Công an các đơn vị đã tổ chức lưu trữ, khai thác cơ sở dữ liệu phục vụ công tác với các tính năng cơ bản như: quản trị, sao lưu, dự phòng tại chỗ và đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ. Một số đơn vị đã tổ chức kết nối và chia sẻ dữ liệu theo kết nối điểm - điểm. Trong đó, Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư là dự án CNTT được Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì triển khai xây dựng với nền tảng hạ tầng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, kết nối đường truyền có bảo mật tới cấp xã/phường. Bên cạnh đó, Trung tâm dữ liệu Bộ Công an là hệ thống hiện đại, được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn Tier-3, trang bị hạ tầng nền tảng kỹ thuật hiện đại, để triển khai trục tích hợp và chia sẻ dữ liệu trong ngành Công an.

Tăng cường quản lý nhà nước

Ngoài việc phát triển hạ tầng kỹ thuật mạng máy tính, xây dựng được những phần mềm, cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ kết nối, chia sẻ trong lực lượng CAND và chia sẻ với các bộ, ngành theo chỉ đạo của Chính phủ thì việc duy trì hệ thống mạng hoạt động ổn định, thường xuyên liên tục 24/7, đảm bảo an ninh an toàn hệ thống và thông tin, dữ liệu là nhiệm vụ rất quan trọng. Do vậy, tháng 3/2023, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 259/QĐ-BCA về việc thành lập Trung tâm giám sát mạng máy tính Bộ Công an, thuộc Cục Công nghệ thông tin.

Theo đó, việc vận hành Trung tâm giám sát mạng máy tính Bộ Công an đáp ứng được mục tiêu thống nhất quản lý về công tác giám sát mạng, giám sát an toàn thông tin mạng, cảnh báo sớm những nguy cơ, sự cố liên quan tới thiết bị mạng, kết nối mạng, hiệu suất làm việc của mạng máy tính; nguy cơ gây mất an ninh, an toàn thông tin đối với hệ thống mạng máy tính diện rộng ngành Công an, mạng máy tính nội bộ của Công an các đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, thống nhất về công tác điều phối, phương án phối hợp khắc phục, ứng cứu, điều tra nguyên nhân xảy ra đối với các sự cố mạng, sự cố gây mất an toàn thông tin mạng từ Bộ tới Công an các đơn vị, địa phương. Đồng thời, thống nhất về giải pháp, công nghệ, phương thức chia sẻ, tiếp nhận dữ liệu giám sát, phương án khắc phục sự cố mạng, ứng cứu sự cố xảy ra trong các hệ thống thông tin yêu cầu an toàn hệ thống từ cấp độ 3 trở lên. Trung tâm giám sát mạng máy tính Bộ Công an trực tiếp quản lý, tổ chức vận hành, khai thác hệ thống giám sát đã được triển khai tại các trung tâm vùng và mạng máy tính Công an các đơn vị, địa phương hiệu quả, đáp ứng yêu cầu giám sát, hỗ trợ khắc phục sự cố mạng, sự cố an toàn thông tin trong hệ thống mạng máy tính diện rộng ngành Công an.

Thiếu tướng Dương Văn Tính, Cục trưởng Cục CNTT cho biết, thời gian tới, để thực hiện tốt mục tiêu “Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tăng cường phương tiện, trang thiết bị, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ số, tự động hóa, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo cho lực lượng CAND” và giải pháp “Chú trọng đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu” trong Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/ĐUCA ngày 13/4/2015 của Đảng ủy Công an Trung ương, với chức năng thường trực tham mưu giúp Đảng ủy Công an Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác CNTT, Cục CNTT tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, phục vụ hiệu quả các mặt công tác Công an trong tình hình mới. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý; thực hiện quản lý tập trung, thống nhất, đồng bộ, chuyên sâu theo quy hoạch, kế hoạch về ứng dụng, phát triển CNTT, chuyển đổi số trong CAND.

Phát triển nhà trường số

Trước thực trạng đang đặt ra, nhằm triển khai ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục, đào tạo và hỗ trợ hoạt động dạy, học, nghiên cứu khoa học trong CAND, Cục CNTT đã chủ trì, phối hợp với Cục Đào tạo (Bộ Công an) và các học viện, trường CAND tổ chức xây dựng thành công Khung kiến trúc Nhà trường số trong CAND đảm bảo phù hợp với quy hoạch ứng dụng và phát triển CNTT ngành Công an đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sau khi được ban hành, Khung kiến trúc Nhà trường số đảm bảo các hoạt động đào tạo trong các học viện, trường CAND hướng tới được hình thành trên môi trường số.

Thông qua việc cung cấp các dịch vụ đào tạo trên môi trường số để tạo điều kiện thuận lợi và bình đẳng hơn trong tiếp cận các hình thức giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập và nhu cầu cá nhân hóa trong quá trình học tập của mỗi người học. Đồng thời, thay đổi mô hình dạy và học để tối ưu hóa vận hành của các nhà trường, trải nghiệm học tập của người học và khuyến khích các mô hình đào tạo mới.

Theo đó, các đơn vị sẽ đồng bộ hóa phần mềm quản lý nhà trường nhằm tăng tính kết nối giữa các trường CAND với cơ quan quản lý giáo dục của Bộ; kết nối hệ thống thư viện điện tử của các trường CAND để chia sẻ nguồn học liệu dùng chung; đầu tư xây dựng hệ thống phòng học thông minh và trung tâm huấn luyện thực hành mô phỏng phục vụ công tác dạy và học.

Nguồn: Báo CAND.

Quay lại
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC
Bài mới đăng
Bài ngẫu nhiên