Chưa xử phạt lỗi thiếu bản gốc đăng ký xe

Chủ nhật 16/07/2017 18:34:11 An toàn giao thông
TQĐT - Gần đây, trên các báo mạng có thông tin người điều khiển ô tô nếu không mang theo đăng ký xe bản gốc sẽ bị cảnh sát giao thông xử phạt. Điều đó, khiến những người mua xe theo hình thức trả góp khá lo lắng. Bởi ngân hàng sẽ giữ lại bản gốc giấy đăng ký xe để làm thế chấp và chỉ cung cấp bản sao có xác nhận của ngân hàng để khách hàng lưu thông. Để làm rõ hơn nội dung trên, phóng viên Báo Tuyên Quang đã có cuộc trao đổi với Thiếu tá Hứa Thị Ánh Tuyết, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Đồng chí cho biết việc CSGT xử phạt lỗi lái xe ô tô không có giấy đăng ký gốc căn cứ theo quy định nào?

Thiếu tá Hứa Thị Ánh Tuyết: Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: Người điều khiển các loại xe tương tự ô tô không mang theo Giấy đăng ký xe (bản gốc) sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng. Do đó, CSGT xử phạt người lái xe vi phạm lỗi trên là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, đến nay CSGT Công an tỉnh vẫn chưa xử phạt trường hợp nào vi phạm lỗi trên mà chỉ có hiệu lệnh dừng những xe ô tô khi phát hiện lái xe vi phạm và có dấu hiệu vi phạm về chạy quá tốc độ, sai làn đường, nồng độ cồn.

Thực tế, hiện đang có rất nhiều người dân mua xe ô tô theo hình thức trả góp. 7 tháng đầu năm 2017, Phòng CSGT Công an tỉnh làm thủ tục cấp đăng ký cho 780 ô tô thì có hơn 400 xe được mua theo hình thức trả góp. Từ trước đến nay, phương tiện giao thông khi thế chấp ở ngân hàng thì bên thế chấp chỉ được ngân hàng giao bản sao giấy đăng ký phương tiện đó có xác nhận của ngân hàng. Ngân hàng sẽ giữ lại bản chính giấy đăng ký phương tiện nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động tín dụng. 

Tuy nhiên, ngày 24-5-2017, Ngân hàng Nhà nước có Công văn số 3851/NHNN-PC gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc khách hàng thế chấp phương tiện giao thông. Văn bản nêu rõ, theo Điều 20a Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29-12-2006 (đã được sửa đổi bổ sung) quy định: “Trong trường hợp tài sản thể chấp là tàu bay, tàu biển hoặc phương tiện giao thông quy định tại Điều 7a nghị định này thì bên thế chấp giữ bản chính Giấy chứng nhận quyền sở hữu tàu bay, Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam, Giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực”. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm túc quy định về việc bên thế chấp giữ bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực theo quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP. 

Phóng viên: Việc các chủ xe ô tô vay mua và thế chấp giấy đăng ký (bản gốc) với ngân hàng, khi lưu thông chỉ có bản sao giấy đăng ký, như vậy có hợp pháp không và có bị CSGT xử phạt không?

Thiếu tá Hứa Thị Ánh Tuyết: Ngày 31-5-2017, Cục CSGT đã có văn bản số 2916/C67-P9 gửi Phòng CSGT Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ, đối với phương tiện thế chấp tại ngân hàng tham gia giao thông thì bên thế chấp được giữ lại bản chính Giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực theo đúng Nghị định 163/2006/NĐ-CP, Công văn số 3851/NHNN-CP ngày 24-5-2017 của Ngân hàng nhà nước.

Căn cứ theo hướng dẫn của Cục CSGT và công văn của Ngân hàng Nhà nước thì trường hợp người điều khiển ô tô mang theo bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng nơi chủ xe thế chấp mà đã hết thời hạn hợp đồng hoặc những hợp đồng lập sau thời điểm có hướng dẫn của Cục CSGT, công văn của Ngân hàng Nhà nước sẽ bị CSGT xử phạt. Do mới có văn bản hướng dẫn mới nên tạm thời CSGT Công an tỉnh chưa xử phạt đối với các lỗi trên mà sẽ chỉ tập trung nhắc nhở, tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông cho người tham gia giao thông. 

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Lý Thịnh (Thực hiện)

Theo baotuyenquang.com.vn

Quay lại
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC
Bài mới đăng