Bản chất hoạt động thi hành án phạt tù dưới góc độ tâm lí, giáo dục

Thứ năm 14/09/2017 10:51:06 Tin tức thời sự

Hoạt động thi hành án phạt tù đối với phạm nhân diễn ra diễn ra từ khi họ vào trại giam cho đến khi cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù, trả lại tự do cho họ cho họ về với cộng đồng, xã hội và gia đình. Hoạt động này diễn ra theo quy định của Luật Tố tụng hình sự, Pháp lệnh Thi hành án phạt tù và các quy phạm pháp luật khác có liên quan như: Lao động, y tế, giáo dục, tài chính… 

Mục đích thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, trừng phạt những người phạm tội, tước bỏ các điều kiện tiếp tục gây nguy hại cho xã hội, đồng thời và chủ yếu là giáo dục để họ thay đổi tư tưởng, nhận thức, hành động trở thành công dân lương thiện sau này có thể tái hòa nhập với cộng đồng. Hoạt động thi hành án trong trại giam gồm hai nội dung: Quản lí, giam giữ và giáo dục, cải tạo.

Dưới góc độ giam giữ, phạm nhân bị luật pháp áp dụng hàng loạt các quy định chặt chẽ về ăn, ở, lao động, sinh hoạt, chữa bệnh… nhằm tước bỏ mọi khả năng gây án, phạm tội mới, trốn trại.

Dưới góc độ giáo dục, cải tạo, thời gian phạm nhân ở trại giam là một quá trình giáo dục, trong đó cơ quan thi hành án tiến hành các nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục nhằm làm cho phạm nhân chuyển biến tư tưởng, tình cảm, nhận rõ tội lỗi, sai lầm, khuyết điểm; có ý thức sửa chữa sai lầm; tôn trọng pháp luật, quy chế, nội quy trại giam; có ý thức, thói quen lao động; đồng thời biết một nghề nghiệp nào đó để sau khi ra khỏi trại giam có thể tìm kiếm việc làm, tái hòa nhập cộng đồng.

Như vậy, xét dưới góc độ giáo dục, bản chất hoạt động thi hành án phạt tù là một quá trình giáo dục cho các phạm nhân với những đặc trưng cơ bản sau:

Thứ nhất, mục đích cũng như bản chất của hoạt động quản lí, giáo dục, cải tạo là giúp phạm nhân khắc phục, sửa chữa những thói quen và tâm lí tiêu cực; xây dựng, phát triển và hoàn thiện những phẩm chất tâm lí tích cực. Để thực hiện tốt điều này, các nhà giáo dục (Giám thị, Trưởng phân trại, quản giáo…)  cần có sự tìm hiểu, nghiên cứu về nhân cách phạm nhân, nắm được tổng hợp những phẩm chất, đặc điểm tâm lí của phạm nhân để từ đó lựa chọn sự tác động giáo dục thích hợp để đạt được mục đích quản lí, giáo dục. Nếu không có sự hiểu biết sâu sắc về tâm lí phạm nhân thì không thể tổ chức được quá trình giáo dục một cách khoa học, hiệu quả. Vì vậy, các nhà giáo dục phải nắm được những điểm yếu và các mặt tiêu cực của phạm nhân để lựa chọn hình thức, phương pháp tác động đi đến hạn chế, triệt tiêu những phẩm chất xấu; đồng thời, phát hiện kịp thời và nhân lên những phẩm chất tốt đẹp của phạm nhân, dựa vào mặt tích cực để đẩy lùi các yếu tố tiêu cực trong mỗi phạm nhân.

Thứ hai, hoạt động giáo dục trong trại giam là quá trình tương tác giữa các nhà giáo dục (Giám thị, Trưởng phân trại, quản giáo…) và phạm nhân. Trong đó, các nhà giáo dục làm nhiệm vụ định hướng, tổ chức, điều khiển các loại hình hoạt động tác động giáo dục cụ thể, còn phạm nhân thì được tổ chức và tự giác, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục, thông qua đó mà chuyển biến về tư tưởng, nhận thức, hành động. Đối với phạm nhân, không phải khi vào trại giam thi hành hình phạt ai cũng nhận ra những sai lầm và hối hận về những hành vi phạm tội của mình. Có những phạm nhân bề ngoài tỏ thái độ tuân thủ và chấp hành nội quy trại giam, tôn trọng cán bộ nhưng ẩn chứa bên trong là sự bất mãn, lạnh nhạt, khi có điều kiện sẽ có những hành vi  chống đối công khai hoặc ngấm ngầm, gay gắt như: Trốn trại, cãi nhau, không phục tùng cán bộ, kích động, chống đối… Vì vậy, trong quá trình tương tác với các phạm nhân, các nhà giáo dục cần có sự gần gũi, chia sẻ, từ đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tác động tâm lí thường xuyên để các phạm nhân có những suy nghĩ lành mạnh, tích cực, giúp họ biết phân tích, đánh giá nguyên nhân, hậu quả các hành vi phạm tội của mình; khi đó họ sẽ tự giác, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục, thông qua đó mà chuyển biến về tư tưởng, nhận thức, hành động. 

Thứ ba, hoạt động giáo dục cho các phạm nhân được diễn ra trong môi trường đặc biệt. Phạm nhân bị cách li ra khỏi  xã hội, bị quản lí chặt chẽ và bị ràng buộc bởi nhiều hạn chế hoặc các quy định của pháp luật. Ở góc độ giáo dục, các hạn chế và quy định đã làm phát sinh nhiều tiêu cực không có lợi. Đối với con người tự do, thoải mái là một nhu cầu tất yếu và cần thiết. Với phạm nhân mà phần lớn có lối sống tự do, vô kỉ luật, không tôn trọng kỉ cương, luật pháp thì việc hạn chế tự do và các quy định nghiêm ngặt khác của pháp luật là một bức xúc lớn đối với họ. Chính những xung đột giữa nhu cầu tự do, nhu cầu vật chất… và các quy định, nội quy chặt chẽ hạn chế tự do đã dân đến nhiều trạng thái tâm lí tiêu cực của những bất mãn, thờ ơ, thiếu niềm tin vào tương lai, bàng quan với tập thể, với các yêu cầu của cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, với những chế độ, nội quy chặt chẽ đối với phạm nhân cũng có những ảnh hưởng và tác động tích cực, bắt buộc phạm nhân hình thành những suy nghĩ và thói quen, lối sống tích cực, từ bỏ những  nhu cầu, thói quen xấu và những phẩm chất nhân cách tiêu cực đã có sẵn khi còn ở ngoài xã hội. Vì vậy, các nhà giáo dục cần có sự thông cảm, chia sẻ với khát vọng tự do và các nhu cầu cá nhân của phạm nhân, đồng thời cần phải nghiêm minh để các phạm nhân phục tùng nội quy, quy định của pháp luật, giúp cho phạm nhân dần hình thành những suy nghĩ và lối sống tích cực, sau khi được trả tự do sẽ trở thành những con người lương thiện.

Thứ tư, quá trình giáo dục diễn ra trong tập thể phạm nhân, đó là nơi tập trung những con người có các phẩm chất tâm lí tiêu cực, nhiều thói hư, tật xấu, côn đồ, trộm cắp, lười lao động… Chính vì vậy, hơn bất kỳ môi trường nào khác, đòi hỏi Ban giám thị và các nhà giáo dục phải chuẩn bị và sử dụng các phương pháp tác động thường xuyên đến tập thể phạm nhân. Muốn cải tạo từng cá nhân riêng lẻ  phạm nhân, phải đồng thời tiến hành cải tạo tập thể phạm nhân khác. Để thực hiện tốt công tác này không phải là điều dễ dàng. Thế giới tâm lí của con người, đặc biệt là phạm nhân sẽ có nhiều phức tạp. Một bộ phận phạm nhân có nhiều tiền án, tiền sự hoặc thực hiện các tội lừa đảo, trộm cắp thường dày dạn kinh nghiệm che dấu cảm xúc, đánh lừa cán bộ bằng thái độ phục tùng, nghiêm chỉnh tuân thủ quy chế, nội quy trại giam. Vì vậy, đòi hỏi các nhà giáo dục cần có sự tỉ mỉ, và trách nhiệm, liên tục trong quá trình phạm nhân ở trại giam, thông qua đồng bộ các phương pháp, nắm được trạng thái, thuộc tính tâm lí của phạm nhân để có những phương pháp giáo dục hiệu quả đối với từng phạm nhân nói riêng và đối với cả tập thể phạm nhân.

Thứ năm, vai trò giáo dục của các tổ chức xã hội trong giáo dục, cải tạo phạm nhân bị hạn chế do điều kiện phạm nhân bị giam giữ trong trại giam. Phạm nhân không hoạt động trong xã hội, do đó họ không có kiến thức, hiểu biết xã hội một cách trực tiếp, vì vậy không nhận được những sự tác động tích cực đến xã hội của các tổ chức Đảng, chính quyền địa phương, cơ quan Nhà nước, đoàn thể quần chúng. Những tác động này rất cần thiết và có ý nghĩa tích cực đến việc hoàn thiện và phát triển nhân cách con người nói chung và các phạm nhân nói riêng. Đối với phạm nhân, sự thiếu hụt này đã làm hạn chế việc hình thành những phẩm chất quan trọng nhất của con người đó là tình cảm và nghĩa vụ công dân, ý thức cộng đồng, trách nhiệm trước xã hội. Do đó, các hoạt động giáo dục trong trại giam còn phải nhằm khắc phục sự lạc hậu, kém hiểu biết và những hụt hẫng do phạm nhân phải cách li với xã hội. Bên cạnh những định hướng, giáo dục về nhân cách, đạo đức, sự chấp hành kỷ luật của phạm nhân, các nhà giáo dục cần truyền tải và giúp họ nắm được các kiến thức, những sự thay đổi về đời sống, văn hóa, xã hội, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Có như vậy, phạm nhân mới có sự hoàn thiện nhân cách, có những kiến thức về xã hội, đất nước, con người, sau khi được trả tự do họ sẽ dễ dàng hòa nhập với cộng đồng trở thành người lương thiện, yêu lao động, có quyền và nghĩa vụ công dân, có trách nhiệm với gia đình và xã hội.

Hồ Thị Thu Hiền - Tạp chí CSND - T32 

Quay lại
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC
Bài mới đăng
Bài ngẫu nhiên