Đề xuất ngành nghề cần tuyển chọn công dân nữ thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND

Thứ tư 25/09/2019 06:52:43 Đào tạo, tuyển sinh, tuyển dụng

Ngành nghề cần thiết tuyển chọn công dân nữ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân gồm: Y, dược; giáo viên sư phạm; ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài; nghệ thuật trình diễn; nghệ thuật nghe nhìn; thể dục thể thao.

Đây là đề xuất của Bộ Công an tại dự thảo Thông tư quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị định số 70/2019/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

Dự thảo Thông tư này quy định về chỉ tiêu, thời gian, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; ngành nghề tuyển chọn công dân nữ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; phân công trách nhiệm và phối hợp trong tuyển chọn; chế độ, chính sách đối với công dân trong thời gian thực hiện lệnh gọi khám sức khỏe; chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong thời hạn phục vụ tại ngũ, xuất ngũ.

Theo dự thảo, chỉ tiêu và thời gian tuyển chọn hằng năm, thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

Về tiêu chuẩn tuyển chọn, ngoài các tiêu chuẩn tuyển chọn theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 70/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, công dân được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau: Tuổi đời từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 thì tuyển chọn đến hết 27 tuổi.

Đối với các đơn vị Cảnh sát cơ động, Cảnh sát bảo vệ, Cảnh sát đặc nhiệm, Cảnh vệ, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ độ tuổi tuyển chọn từ đủ 18 tuổi đến hết 22 tuổi. Những địa phương có khó khăn không bảo đảm đủ chỉ tiêu tuyển chọn thì có thể tuyển đến hết 25 tuổi.

Tiêu chuẩn chính trị: Bản thân và cha, mẹ đẻ, người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân từ nhỏ, cha, mẹ đẻ vợ hoặc chồng, vợ hoặc chồng; anh, chị em ruột của bản thân bảo đảm tiêu chuẩn chính trị theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 44/2018/TT-BCA ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn về chính trị của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và văn bản hướng dẫn thực hiện của Cục Tổ chức cán bộ.

Phong, thăng cấp bậc hàm

Công dân được gọi nhập ngũ vào thực hiện nghĩa vụ trong Công an nhân dân theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018 được phong cấp bậc hàm Binh nhì kể từ ngày giao nhận quân; trong trường hợp không giao, nhận quân tập trung thì từ ngày đơn vị Công an nhân dân tiếp nhận.

Thăng cấp bậc hàm Binh nhất: Binh nhì có đủ 06 tháng phục vụ tại ngũ;

Thăng cấp bậc hàm Hạ sĩ: Binh nhất đã giữ cấp bậc hàm đủ 06 tháng;

Thăng cấp bậc hàm Trung sĩ: Hạ sĩ đã giữ cấp bậc hàm đủ 12 tháng;

Thăng cấp bậc hàm Thượng sĩ: Trong thời hạn phục vụ tại ngũ, hạ sĩ quan nghĩa vụ lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật được tặng thưởng một trong các hình thức: Huân chương, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an và đã giữ cấp bậc hàm Hạ sĩ đủ 12 tháng thì được xét thăng cấp bậc hàm Thượng sĩ.

Về phụ cấp cấp bậc hàm: Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ được phong, thăng cấp bậc hàm nào thì được hưởng mức phụ cấp cấp bậc hàm đó theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể:

a) Cấp bậc hàm Thượng sĩ: hệ số phụ cấp 0,70.

b) Cấp bậc hàm Trung sĩ: hệ số phụ cấp 0,60.

c) Cấp bậc hàm Hạ sĩ: hệ số phụ cấp 0,50.

d) Cấp bậc hàm Binh nhất: hệ số phụ cấp 0,45.      

đ) Cấp bậc hàm Binh nhì: hệ số phụ cấp 0,40.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo Chinhphu.vn

Quay lại
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC
Bài mới đăng
Bài ngẫu nhiên