Vấn đề Biển Đông là chủ đạo

Thứ năm 25/06/2015 16:55:04 Thế giới

Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á Daniel Russel cho hay, đối thoại sẽ tập trung thảo luận các vấn đề toàn cầu và khu vực, đồng thời cũng ưu tiên giải quyết những bất đồng giữa hai nước. Theo nhận định của giới chuyên gia, những trao đổi cứng rắn liên quan tới việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông sẽ làm “nóng” S&ED.

Ngay trước thềm S&ED, ông Russell đã hướng dư luận về Biển Đông, khi ông cho biết vấn đề Biển Đông được ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của cuộc đối thoại. Ông Russel còn khẳng định Washington quan ngại về các kế hoạch của Trung Quốc duy trì các hoạt động xây dựng ở Biển Đông, đồng thời cho rằng viễn cảnh Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông là trái ngược với mục tiêu hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực.

Chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc Yun Sun, cộng tác viên cao cấp của chương trình Đông Á thuộc Trung tâm Stimson tại Washington, cho biết, thảo luận sẽ ít tập trung vào việc cải tạo đảo mà nhấn mạnh vào những cơ sở gì Trung Quốc sẽ xây dựng trên đó.

Nhắc lại tuyên bố mới đây của Bắc Kinh về việc sẽ sớm hoàn tất “trong vài ngày nữa” các dự án cải tạo trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chuyên gia Sun nhận xét: “Trung Quốc chắc chắn không muốn làm tổn hại đến không khí đối thoại với việc cải tạo, nên tuyên bố hoàn tất việc này là khá chiến lược”. 

Vấn đề Biển Đông được ưu tiên cao tại S&ED 2015. Ảnh: cctv-america.com.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao các vấn đề châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ khá lo ngại về khả năng quân sự hóa trên các đảo nhân tạo. Theo đó, nhiều khả năng hai bên sẽ thảo luận vấn đề pháp lý liên quan đến Biển Đông trong cuộc đối thoại.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích Jia Qingguo tới từ Đại học Bắc Kinh thì cho rằng, đối thoại là cơ hội tốt để hai bên thảo luận tránh khả năng xung đột quân sự, mở đường cho việc ký kết các thỏa thuận trong chuyến thăm Mỹ sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trước đó, phát biểu tại Hội thảo về Biển Đông do Viện Nghiên cứu Hudson của Mỹ tổ chức hôm 20/6, Cố vấn cấp cao và Giám đốc cấp cao của Chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), Tiến sĩ Patrick M. Cronin ghi nhận, hành động bồi đắp đảo của Trung Quốc tại Biển Đông chính là nguyên nhân gây căng thẳng leo thang.

Tiến sĩ Cronin cho rằng, các nước trong khu vực cần đối phó bằng nhiều phương án như kiện lên tòa án quốc tế, tập trận chung và Mỹ cần cứng rắn về quân sự và kinh tế để khiến Trung Quốc phải dừng hành vi vi phạm và phải bồi thường. 

Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia Paul S. Giarra, Chủ tịch Global Strategies & Transformation, công ty tư vấn quốc phòng và chiến lược của Mỹ, đề nghị Washington cần hành động để buộc Bắc Kinh dừng vi phạm pháp luật và bồi thường hậu quả gây ra ở Biển Đông. Vị chuyên gia này cho rằng, về vấn đề Biển Đông, Trung Quốc không chỉ gây xung đột với các nước trong khu vực mà còn làm đảo lộn trật tự quốc tế trên biển và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Ông Giarra cho rằng, hành động của Trung Quốc trên biển Đông đã vượt quá giới hạn cuối cùng, tương đương với hành vi tuyên chiến, vậy nên Mỹ cần áp dụng biện pháp cứng rắn hơn. Trong khi đó, chuyên gia Michael G. Frodl, người sáng lập công ty tư vấn rủi ro C-LEVEL Maritime Risks, phân tích để có thể xây dựng một kết cấu mới một cách lành mạnh và ổn định ở châu Á, nhân tố đạo đức sẽ phát huy tác dụng chính.

Ông Frodl đề nghị: “Biển Đông là khu vực cần được bảo vệ trường kỳ, bắt buộc phải xây dựng cơ chế pháp luật kiện toàn, coi trọng phát triển kinh tế, hoàn thiện thể chế chính trị. Khi cần thiết, Mỹ cần áp dụng biện pháp quân sự nhất định”.

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh biện minh cho việc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo gây tranh cãi trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng như tôn tạo và xây dựng các công trình trên đó “là một phần nghĩa vụ của Trung Quốc đối với khu vực”, cụ thể là để cải thiện công tác khí tượng. 

Tuy nhiên, theo cách nhìn của chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu độc lập Sydney (Australia) Benjamin Hercovitch, tham vọng khí tượng của Bắc Kinh là một phần của một chiến lược nhiều mặt đối với các yêu sách biển đảo tranh chấp. Bắc Kinh không chỉ sử dụng chiến lược lớn mà còn rất nguy hiểm, như tôn tạo đất, xây dựng đường băng và liều lĩnh bố trí hải quân tại các vùng biển đang có tranh chấp, nhằm mục đích tăng cường yêu sách lãnh thổ thông qua việc hiện diện dân sự.

Nhà phân tích Hercovitch nhận định, Bắc Kinh đã và đang tìm cách giành lấy quyền kiểm soát tuyến đường thủy này như là một “lợi ích quốc gia cốt lõi”, từ đó, “bằng cách thiết lập các cơ sở khí tượng, bàn đạp hành chính của Trung Quốc sẽ ngày càng lớn và chủ quyền trên thực tế của Trung Quốc trở nên hợp lý hơn”.

Người Việt Nam tại Đức tuần hành phản đối Trung Quốc

Chiều 21/6, hơn 500 người Việt Nam sống tại thành phố Frankfurt am Main, Cộng hòa Liên bang Đức, cũng nhiều bạn bè Đức và quốc tế yêu chuộng hòa bình đã tổ chức cuộc tuần hành trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố này để phản đối các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông. Người tuần hành đã gửi một bức kháng thư đến nhà cầm quyền Trung Quốc, yêu cầu chấm dứt ngay các hoạt động xây dựng, cải tạo trái phép những đảo và bãi đá ngầm ở Hoàng Sa và Trường Sa; tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Khổng Hà (tổng hợp)
Quay lại
BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC
Bài ngẫu nhiên