Trình Quốc hội Luật Dẫn độ và Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù

27/05/2025 - 08:14
298

Sáng 24/5/2025, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Dẫn độ và dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Bộ trưởng Lương Tam Quang trình bày tờ trình tóm tắt về 2 dự án luật.

Hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại

Theo Bộ trưởng, hoạt động dẫn độ được quy định tại một số chương của Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007, đã thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện pháp luật, tăng cường hội nhập quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp. Tuy nhiên, qua hơn 16 năm triển khai thực hiện, quy định về dẫn độ trong Luật TTTP năm 2007 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

"Do đó, việc ban hành Luật Dẫn độ là hết sức cần thiết để hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về dẫn độ", Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Dẫn độ dự kiến gồm 4 chương và 45 điều, trong đó, sửa đổi 19 điều, bổ sung 10 điều và cắt giảm 1 điều so với Luật TTTP trong lĩnh vực dẫn độ. Về áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ, dự thảo luật bổ sung điều kiện áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ, chuyển cơ quan quyết định việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong dẫn độ từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Công an.

Về chi phí thực hiện yêu cầu dẫn độ, dự thảo luật quy định trường hợp Việt Nam là nước yêu cầu dẫn độ, Việt Nam chi trả các chi phí phát sinh từ thời điểm tiếp nhận người bị dẫn độ; trường hợp Việt Nam là nước được yêu cầu dẫn độ, Việt Nam chi trả các chi phí phát sinh đến thời điểm bàn giao người bị yêu cầu dẫn độ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Chính phủ quy định chi tiết điều này. Về kinh phí trong dẫn độ, dự thảo luật quy định ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác dẫn độ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Có thể từ chối dẫn độ tội phạm liên quan đến chính trị, quân đội

Về quản lý nhà nước về dẫn độ, trách nhiệm quản lý nhà nước về dẫn độ được quy định như sau: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về dẫn độ; Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về dẫn độ; TAND các cấp, VKSND các cấp thực hiện các nhiệm vụ về dẫn độ được quy định trong luật này; phối hợp với Bộ Công an quản lý nhà nước về dẫn độ. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện các nhiệm vụ về dẫn độ được quy định trong luật này; phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về dẫn độ.

Về trình tự, thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ, dự thảo luật quy định trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ theo quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó là thành viên thì thực hiện theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu nước yêu cầu cung cấp đủ thông tin và cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung cam kết.

Về từ chối dẫn độ cho nước ngoài, cơ bản quy định này được kế thừa từ Luật TTTP, đồng thời bổ sung một số trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ như: Người bị yêu cầu dẫn độ có khả năng bị truy bức, tra tấn ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị hoặc vì lý do khác; hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự; bổ sung trường hợp có thể từ chối dẫn độ, bao gồm tội phạm bị yêu cầu dẫn độ là tội phạm liên quan đến chính trị, quân đội.

Quang cảnh hội trường.

Bộ Công an là Cơ quan Trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù

Về Tờ trình dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật TTTP năm 2007 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, việc xây dựng dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù là cần thiết, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm đẩy mạnh chiến lược hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp và tăng cường hội nhập quốc tế.

Dự thảo luật gồm 4 chương, 45 điều. So với quy định của Luật TTTP năm 2007 trong lĩnh vực chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dự thảo luật sửa đổi 14 điều, xây dựng mới 18 điều, bỏ 5 điều và 2 quy định.

Về Cơ quan Trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Điều 6 dự thảo luật quy định Bộ Công an là Cơ quan Trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Điều kiện tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù

Về chi phí và kinh phí trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dự thảo luật quy định trường hợp Việt Nam là nước chuyển giao, Việt Nam chi trả các chi phí hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù phát sinh đến thời điểm bàn giao người đang chấp hành án phạt tù, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; trường hợp Việt Nam là nước nhận, Việt Nam chi trả mọi chi phí hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù phát sinh từ thời điểm tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp trình bày báo cáo thẩm tra.

Kinh phí cho công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước. Người đang chấp hành án phạt tù hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thể tự nguyện đóng góp, hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần chi phí sinh hoạt, đi lại và các chi phí khác của người đang chấp hành án phạt tù được chuyển giao theo quy định của pháp luật.

Về điều kiện tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dự thảo luật quy định người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài có thể được tiếp nhận, chuyển giao khi có đủ các điều kiện: Là công dân Việt Nam (trường hợp tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam) hoặc là công dân của nước nhận hoặc là người được phép cư trú không thời hạn ở nước nhận hoặc nước nhận đồng ý tiếp nhận (trường hợp chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù ở Việt Nam cho nước ngoài); hành vi phạm tội mà người đó bị kết án phạt tù cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước chuyển giao (hoặc nước nhận).

Vào thời điểm nhận được yêu cầu chuyển giao, thời hạn chưa chấp hành án phạt tù phải còn ít nhất là một năm; trong trường hợp đặc biệt, thời hạn này có thể ít hơn một năm. Bản án đối với người được chuyển giao đã có hiệu lực pháp luật; có sự đồng ý của Việt Nam và nước chuyển giao (hoặc nước nhận); có sự đồng ý của người được chuyển giao. Trường hợp người được chuyển giao không có đầy đủ năng lực để đồng ý theo pháp luật của nước chuyển giao thì phải có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp của người đó...

Theo Cổng TTĐT Bộ Công an

bình luận

Tìm kiếm
Trình duyệt được hỗ trợ
Firefox
Chrome
congannhandan.png

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CÔNG AN TỈNH TUYÊN QUANG

Giấy phép xuất bản số: 142/GP-TTĐT ngày 19/12/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông.
Người chịu trách nhiệm nội dung: Đại tá Phạm Kim Đĩnh, Trưởng Ban biên tập
Trụ sở: Tổ 10, Phường An Tường, thành phố Tuyên Quang, Tỉnh Tuyên Quang.
Điện thoại: 069.2526.112
 
© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'www.tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Công an tỉnh Tuyên Quang Chung nhan Tin Nhiem Mang