Đêm không ngủ trước ngày đặc xá
Đây chính là sự khoan hồng, nhân đạo đặc biệt Đảng, Nhà nước ta giúp những người phạm tội có cơ hội làm lại cuộc đời. Trở về nhà, với tấm thẻ căn cước còn thơm mùi mực trên tay, họ có đầy đủ quyền công dân, được tạo điều kiện vay vốn, tạo việc làm để bắt đầu cuộc sống mới.
Ngày 30/7, sau khi Chủ tịch nước Tô Lâm đã ký quyết định số 758 về đặc xá năm 2024 nhân dịp 79 năm Quốc khánh (2/9/2024) và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/2024), Hội đồng Tư vấn đặc xá đã có hướng dẫn, Bộ Công an ban hành kế hoạch thực hiện. Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá đã tổ chức tập huấn cho các lực lượng chức năng; chỉ đạo các cơ sở giam giữ tổ chức niêm yết công khai, phổ biến Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước cho tất cả CBCS, phạm nhân biết…
Niềm vui đoàn tụ của người được đặc xá.
Sau hơn 2 tháng tích cực làm việc, lực lượng chức năng từ cán bộ ở các cơ sở giam giữ, các tổ thẩm định liên ngành đến các thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá đã nghiêm túc, thận trọng, xem xét kỹ lưỡng hồ sơ, điều kiện của từng trường hợp, lập danh sách trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Thiếu tướng Trần Văn Thiện, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng cho biết, việc xét đề nghị đặc xá cho phạm nhân được tiến hành theo quy trình hết sức chặt chẽ, công khai, dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch, đúng đối tượng, điều kiện theo quy định. Hồ sơ đề nghị đặc xá được kiểm tra, thẩm định qua nhiều cấp với sự tham gia của nhiều cơ quan ban, ngành chức năng và đặc biệt là sự giám sát của các tổ chức xã hội và nhân dân. Do vậy, đến nay chưa phát hiện sai sót, tiêu cực xảy ra.
Từ kết quả đó, ngày 29/9, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ký Quyết định số 957/QĐ-CTN đặc xá cho trên 3.700 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 2 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2024.
Thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước, ngày 1/10, tất cả các cơ sở giam giữ trong cả nước tổ chức trang trọng lễ công bố đặc xá cho các phạm nhân. Tại buổi lễ, các phạm nhân được trao Quyết định đặc xá, thẻ căn cước, quần, áo, tiền tàu xe và các hành trang để họ trở về làm lại cuộc đời. Trước đó, các phạm nhân được liên hệ với gia đình, nếu ai không có người thân đến đón sẽ được trại giam đưa ra bến xe để về gia đình.
Từ Lai Châu, được tin con trai được đặc xá lần này, vợ chồng ông Giàng A Vá bắt chuyến xe đêm 30/9 để sáng sớm 1/10 có mặt tại Trại giam Thanh Xuân đón con trai trở về. Con ông Vá là Giàng A Chứ phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý với án phạt 10 năm 6 tháng, đã đi thi hành án được gần 7 năm, được giảm án 2 lần.
“Suốt gần 7 năm con tôi bị bắt, tôi chỉ xuống được 2 lần nên lần này khi cháu về, vợ chồng tôi xuống đón cho nó vui, tiện thể còn mang chăn, màn, quần áo, đồ dùng cá nhân giúp. Hôm qua, nó gọi điện về nói là xin được nhiều đồ lắm, người Kinh được đặc xá không thích mang đồ cá nhân ở trại về nên con tôi xin hết. Chúng tôi không kiêng nên mang về thôi. Biết tin con tôi sẽ được đặc xá, trưởng bản đã đến nhà chia sẻ và nói rằng sẽ bố trí cho cháu đi làm thợ mộc ở xưởng, đúng nghề cháu học trong trại. Tôi hi vọng con có việc làm ổn định sẽ không đi xách ma tuý thuê nữa để con sớm lấy vợ, sinh con, 32 tuổi người dân tộc chúng tôi nhiều người có cháu rồi” - ông Vá cho biết.
Vợ chồng Nguyễn Thị Hạnh ở Quảng Yên, Quảng Ninh có con gái phạm tội gây rối trật tự công cộng, thi hành án ở Trại giam Hoàng Tiến được đặc xá nên đã đến thuê nhà gần trại để chờ đón con về. Chị cho biết, sau lần vấp ngã này, con gái đã trưởng thành hơn. “Con tôi được đặc xá 1 năm 3 tháng, 9 ngày. Đây là quãng thời gian vô cùng có ý nghĩa để cháu làm lại cuộc đời. Tôi không biết nói gì, xin cảm ơn Đảng, Nhà nước đã khoan hồng để con tôi sớm trở về đoàn tụ với gia đình. Khi con về nhà, tôi cho cháu làm may – nghề cháu học được trong trại để không có thời gian theo bạn xấu lang thang, nghịch ngợm nữa”, chị Hạnh chia sẻ.
Được đặc xá lần này, phạm nhân Nguyễn Thị Xoa, SN 1984, quê ở Từ Sơn - Bắc Ninh, thi hành án tại Trại giam Ngọc Lý hồ hởi cho biết, chị được về sớm 2 năm, 7 ngày. “Đây là thời gian vô cùng quý báu với tôi bởi 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn đang ngóng chờ tôi từng ngày. Tôi vô cùng biết ơn Đảng, Nhà nước đã trao cho tôi cơ hội để sửa sai, để đường đường chính chính làm lại cuộc đời. Tôi mong mọi người đừng ai kỳ thị, xa lánh những người lầm lỗi như chúng tôi, bởi sau khi phạm tội, chúng tôi đã được các cán bộ giáo dục để có nhận thức đúng đắn về pháp luật nên chúng tôi luôn quyết tâm làm ăn lương thiện để không phạm bất cứ sai lầm đáng tiếc nào nữa”.
Phạm nhân Vũ Ngọc Minh ở Láng Hạ, Thành Công, Hà Nội - thi hành án tại Trại giam Thanh Lâm xúc động khi biết mình sẽ được nhận Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước bởi 63 tuổi đời, trải qua nhiều thăng trầm nên ông thấu hiểu và vô cùng biết ơn chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội.
“Trong thời gian thi hành án tại Trại giam Thanh Lâm, tôi được các cán bộ động viên, giúp đỡ, khích lệ rất nhiều. Từng làm trong cơ quan Nhà nước nên bị bắt, phải thi hành án, tôi cũng từng cảm thấy buồn, mặc cảm nhưng các cán bộ động viên phải tích cực cải tạo, sửa chữa lỗi lầm gây ra nên tôi đã cố gắng cao nhất để sớm được khoan hồng. Đặc biệt, tôi nhớ nhất câu nói của giám thị: “Hãy cố gắng cải tạo tốt nhất sẽ được ghi nhận, khoan hồng”. Điều đó đã đúng, bởi kết quả đánh giá quá trình cải tạo là một trong những quy định “cứng” để được đặc xá. Chính nhờ chấp hành tốt quy định, cải tạo tích cực, tôi và nhiều phạm nhân khác đã được Chủ tịch nước đặc xá” - ông Minh chia sẻ.
Được biết, để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các phạm nhân, Bộ Công an đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giam giữ có phạm nhân được đề nghị đặc xá rà soát, cập nhật thông tin, phối hợp với Công an cấp huyện trên địa bàn để làm thẻ căn cước cho họ. Đồng thời, bố trí địa điểm và cán bộ phối hợp tổ chức lấy vân tay, chụp ảnh, thu thập mống mắt cho các phạm nhân. Việc triển khai thu thập hồ sơ cấp căn cước sẽ giúp phạm nhân sau khi được đặc xá trở về địa phương khôi phục quyền công dân, sớm hòa nhập cộng đồng. Tại buổi thu nhận hồ sơ cấp căn cước, các cán bộ Công an lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn về những giá trị, tiện ích mà thẻ căn cước và ứng dụng VNeID mang lại để các phạm nhân nắm và thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương thực hiện nghiêm công tác tái hào nhập cộng đồng được quy định tại Nghị định 49/2020/NĐ-CP, Chỉ thị 33 và Quyết định 22 17/8/2023 của Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù nhằm giúp người đặc xá, tha tù tái hoà nhập cộng đồng, được vay vốn làm ăn để sớm ổn định cuộc sống.
Bước ra khỏi cổng trại giam, các phạm nhân vui mừng, phấn khởi và rơm rớm nước mắt khi gặp lại người thân trong gia đình. Từ hôm nay, cuộc đời họ sẽ sang trang mới. Ai cũng tự hứa với lòng sẽ cố gắng vươn lên, làm ăn lương thiện để tự viết tiếp những ước mơ của cuộc đời mình…
Nguồn: Báo CAND