Phát biểu giải trình tại hội trường, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia PCMT lần này trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả các chương trình PCMT ở các giai đoạn trước. Quá trình xây dựng, Cơ quan soạn thảo đã rà soát, đánh giá kỹ để đảm bảo nhiệm vụ, nội dung đầu tư của Chương trình không trùng lặp với các chương trình khác. Các nhiệm vụ được thiết kế trong Chương trình, đang ưu tiên đầu tư trực tiếp cho cơ sở để làm tốt công tác PCMT từ sớm, từ xa, từ địa bàn cơ sở.
“Báo cáo Quốc hội, chúng tôi tập trung cho địa bàn cơ sở. Nếu không có Chương trình thì các lực lượng PCMT vẫn phải đấu tranh với tội phạm này và phấn đấu đạt hiệu quả cao nhất” – Bộ trưởng Lương Tam Quang khẳng định và cho biết, bao trùm trên các lĩnh vực là giảm cung - giảm cầu để góp phần mang lại bình yên, giảm thiểu những hệ luỵ của ma tuý.
Bộ trưởng Lương Tam Quang cũng cho biết, ngày 13/11, thay mặt Chính phủ, Bộ Công an đã có báo cáo tiếp thu, giải trình ban đầu đối với các ý kiến của đại biểu Quốc hội. Cụ thể, về ý kiến một số vị đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại chỉ tiêu đặt ra trong mục tiêu của Chương trình là cao, khó khả thi, về vấn đề này, Bộ trưởng Lương Tam Quang nêu rõ, trong quá trình xây dựng, đã nghiên cứu, phân tích, đồng thời đánh giá rất kỹ lưỡng các mục tiêu trên cơ sở thực tiễn đấu tranh PCMT.
Bộ trưởng Lương Tam Quang tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia PCMT.
“Quan điểm của chúng tôi, đây là chỉ tiêu mang tính nguyên tắc và bắt buộc phải thực hiện, có tính khả thi. Ví dụ như chỉ tiêu triệt phá các điểm, tụ điểm nguy cơ đối tượng bán lẻ ma tuý phấn đấu được phát hiện, triệt phá 100%. Đây cũng là chỉ tiêu mà Bộ Công an đang chỉ đạo và giao cho Công an các đơn vị, địa phương thực hiện. Khi phát hiện có điểm, tụ điểm nguy cơ về ma túy thì phải triệt phá bằng được trong thời gian 90 ngày. Đây là chỉ tiêu bắt buộc” – Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh và cho biết, ngoài ra có các chỉ tiêu khác như chỉ tiêu 90% người nghiện ma tuý, sử dụng trái phép ma tuý sau cai nghiện được hỗ trợ can thiệp về y tế và tâm lý; chỉ tiêu 100% cơ sở cai nghiện công lập đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện… cũng hoàn toàn khả thi và có thể thực hiện được.
Về nguồn vốn thực hiện Chương trình, Bộ trưởng Lương Tam Quang chia sẻ, nhiều đại biểu cho rằng nguồn vốn đề xuất còn hạn chế nhưng vấn đề này, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, rà soát, tính toán từng nội dung, từng nhiệm vụ để đề xuất bố trí nguồn lực, giải quyết các vấn đề cấp bách, trước mắt và đảm bảo sử dụng ngân sách Nhà nước tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, tránh dàn trải. Ngoài ra, cũng để đảm bảo tính linh động trong bố trí nguồn lực thực hiện Chương trình thì trong quá trình điều hành, các cơ quan được giao thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình sẽ tham mưu cho Chính phủ và sẽ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để phù hợp với điều kiện thực tế và sẽ báo Quốc hội ưu tiên hỗ trợ thêm nhằm đảm bảo tính bền vững của Chương trình.
“Chúng tôi sẽ tham mưu đề xuất báo cáo Chính phủ và xin Quốc hội bổ sung để làm sao chúng ta đảm bảo được tính bền vững trong Chương trình mục tiêu quốc gia PCMT. Về nguyên tắc phân bổ vốn, chúng tôi đã tính toán dựa trên nguyên tắc phân bổ vốn được áp dụng cho cả ba chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay” – Bộ trưởng Lương Tam Quang chia sẻ và cho biết những địa phương tự cân đối được ngân sách sẽ sử dụng ngân sách địa phương 100% để thực hiện chương trình. Trung ương sẽ hỗ trợ 100 % các địa phương không tự cân đối được ngân sách, đồng thời ưu tiên phân bổ ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Các đại biểu dự phiên họp.
Về cơ quan, đơn vị thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia PCMT, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Kết quả công tác PCMT phải dựa vào sức mạnh của cả hệ thống chính trị xã hội, trong đó lực lượng Công an và lực lượng chuyên trách khác sẽ là nòng cốt. “Chính vì vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội là thành phần quan trọng không thể thiếu trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Bên cạnh đó, cũng xác định phòng, chống ma túy từ cơ sở là giải pháp then chốt nên Chương trình đã đề xuất dự án nguồn lực đầu tư trực tiếp cho cấp xã do UBND xã chủ trì phân bổ và triển khai phân công các cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia PCMT tại cơ sở. Mục tiêu cao nhất là giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy” – Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh.
Đồng chí Bộ trưởng cho biết thêm, Mặt trận Tổ quốc, hội Phụ nữ, đoàn Thanh niên giữ vai trò quan trọng, bộ phận không thể thiếu trong tổ chức thực hiện Chương trình tại cơ sở. Chương trình đang thiết kế 9 dự án, 6 tiểu dự án do 8 bộ, ngành chủ trì được tập trung theo 3 nhóm lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại. Do vậy, sẽ có chương trình, có những dự án hoặc tiểu dự án do chính các bộ, ngành rà soát lại trong quá trình thực hiện. Việc thiết kế các dự án trên cũng phù hợp để đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy có trọng tâm, trọng điểm, cần tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách. Bộ Công an sẽ nghiêm túc tiếp thu trong quá trình xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện các dự án để đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu đề ra.
“Việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách để ngăn chặn những hệ lụy nghiêm trọng của ma túy đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững của đất nước. Bộ Công an trân trọng cảm ơn ý kiến của các quý vị đại biểu Quốc hội, mong rằng tiếp tục nhận được sự quan tâm ủng hộ của Quốc hội trong thời gian tới để báo cáo, đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV” – Bộ trưởng Lương Tam Quang nêu rõ.
Thảo luận ở hội trường, các đại biểu đều tán thành với mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể như dự thảo chương trình đã nêu; khẳng định đầu tư vào Chương trình mục tiêu quốc gia PCMT là hết sức cần thiết và thể hiện quyết tâm bảo vệ an ninh và sức khỏe của cộng đồng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận tại phiên họp.
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan chủ trì xây dựng Chương trình, cơ quan chủ trì thẩm tra, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan. Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước trong 6 năm (2025-2030) gồm 9 dự án thành phần, 6 tiểu dự án do Bộ Công an quản lý Chương trình và 8 bộ, ngành chủ trì thực hiện các Dự án thành phần.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các ý kiến của đại biểu đã nêu thêm nhiều góc nhìn sâu sắc từ thực tiễn, góp phần hoàn thiện các nội dung cụ thể của Chương trình và dự thảo Nghị quyết. Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các đại biểu, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua trong đợt 2 của Kỳ họp thứ 8.
Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công an