Thông tư này quy định một số hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh, gồm: nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu chất ma túy, tiền chất; nhập khẩu, lấy mẫu, giao nhận, bảo quản mẫu chất ma túy; trách nhiệm cấp phép tiến hành hoạt động; lập dự trù, chế độ báo cáo, kiểm tra, giám sát và biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách trong một số hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh.
Thông tư này không quy định các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh đối với Danh mục tiền chất do Chính phủ quy định thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Quốc phòng.
Theo đó, Thông tư nêu rõ hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh là hoạt động nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu chất ma túy, tiền chất; nhập khẩu, lấy mẫu, giao nhận, bảo quản mẫu chất ma túy của cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác giám định, truy nguyên nguồn gốc ma túy, huấn luyện nghiệp vụ phòng, chống tội phạm về ma túy, huấn luyện động vật nghiệp vụ để phát hiện chất ma túy trong lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và lực lượng Hải quan thuộc Bộ Tài chính.
Mẫu chất ma túy là mẫu các chất ma túy, tiền chất; thuốc gây nghiện; thuốc hướng thần; thuốc tiền chất; nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
Nghiên cứu chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh
Thông tư này quy định rõ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, cấp phép tiến hành hoạt động nghiên cứu chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh.
Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Công an chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, tổ chức tuyển chọn hoặc giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong Công an nhân dân liên quan đến việc nghiên cứu chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh theo chức năng và nhiệm vụ được giao; phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và các đơn vị liên quan của Bộ Công an theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động nghiên cứu chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh trong Công an nhân dân.
Viện Khoa học hình sự, Cục Công nghiệp an ninh và Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là các đơn vị được giao tiến hành hoạt động nghiên cứu chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh.
Trình tự, thủ tục cấp phép nghiên cứu chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh
Căn cứ Văn bản thông báo kết quả họp Hội đồng tuyển chọn hoặc giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong Công an nhân dân của Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Công an, đơn vị đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ lập hồ sơ đề nghị cấp phép nghiên cứu gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy có trách nhiệm thẩm định và cấp phép nghiên cứu chất ma túy, tiền chất.
Trường hợp có yêu cầu chỉnh lý, bổ sung tài liệu, trong thời hạn chậm nhất 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý thông báo bằng văn bản cho đơn vị đề nghị về việc chỉnh lý, bổ sung tài liệu, trong đó nêu rõ tài liệu, nội dung cần chỉnh lý, bổ sung và thời gian hoàn thành. Việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đã hoàn thành việc chỉnh lý, bổ sung.
Trường hợp hết thời hạn yêu cầu chỉnh lý, bổ sung hồ sơ hoặc thông tin không thống nhất giữa văn bản đề nghị và tài liệu chứng minh tại các văn bản, tài liệu có trong hồ sơ, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy không tiến hành giải quyết.
Hồ sơ đề nghị cấp phép nghiên cứu chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh, gồm:
- Văn bản đề nghị cấp phép nghiên cứu chất ma túy, tiền chất của đơn vị đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ;
- Văn bản thông báo kết quả họp Hội đồng tuyển chọn hoặc giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong Công an nhân dân của Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Công an;
- Phiếu đăng ký tuyển chọn hoặc giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong Công an nhân dân;
- Lý lịch khoa học của cá nhân đăng ký thực hiện nhiệm vụ và tóm tắt hoạt động khoa học và công nghệ của đơn vị đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong Công an nhân dân.
Sản xuất chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, cấp phép tiến hành hoạt động sản xuất chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh.
Viện Khoa học hình sự là đơn vị duy nhất được giao sản xuất chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh.
Trình tự, thủ tục cấp phép sản xuất chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh
Căn cứ kế hoạch dự trù mẫu chất ma túy được Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt, Viện Khoa học hình sự lập hồ sơ đề nghị cấp phép sản xuất chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy.
Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý có trách nhiệm đánh giá, thẩm định và cấp phép sản xuất chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh.
Quyết định cấp phép sản xuất chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh phải ghi rõ tên, loại mẫu chất ma túy, tiền chất được phép sản xuất; số lượng, chất lượng chất ma túy, tiền chất; thời gian sản xuất; địa điểm sản xuất.
Trường hợp có yêu cầu chỉnh lý, bổ sung hồ sơ, chậm nhất trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy thông báo bằng văn bản cho Viện Khoa học hình sự về việc chỉnh lý, bổ sung hồ sơ. Sau khi nhận đủ hồ sơ, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tiến hành cấp giấy phép theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Thông tư này.
Hồ sơ đề nghị cấp phép sản xuất chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh, bao gồm:
- Văn bản đề nghị cấp phép sản xuất chất ma túy, tiền chất;
- Kế hoạch dự trù mẫu chất ma túy được Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt;
- Kế hoạch sản xuất chất ma túy, tiền chất, trong đó nêu rõ tên, loại chất ma tuý, tiền chất cần sản xuất; hình thức đóng gói, số lượng, chất lượng chất ma tuý, tiền chất; thời gian sản xuất, địa điểm sản xuất; kế hoạch, biện pháp đảm bảo an toàn và điều kiện bảo quản chất ma tuý, tiền chất trong quá trình sản xuất.
Ngoài ra, chất ma túy, tiền chất sau khi sản xuất phải nhập kho lưu mẫu chất ma túy quốc gia để phục vụ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý vì mục đích quốc phòng, an ninh.
Theo Cổng TTĐT Bộ Công an