1. Lịch sử truyền thống vẻ vang
Ngày 19/01/2001, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 1033/2001/QĐ-BCA công nhận ngày 27/10/1975 là ngày truyền thống của lực lượng Pháp chế Công an nhân dân. Đánh dấu chặng đường 49 năm xây dựng và trưởng thành (27/10/1975 – 27/10/2024), dù có nhiều thay đổi về quy mô và cơ cấu tổ chức, song lực lượng Pháp chế Công an tỉnh Tuyên Quang vẫn luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Từ những ngày đầu thành lập với số lượng cán bộ, chiến sĩ còn hạn chế, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn, đơn vị đã từng bước trưởng thành và phát triển. Đến nay, lực lượng Pháp chế Tuyên Quang đã có đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ “gác cổng” pháp luật trong tình hình mới.
2. Những kết quả đáng ghi nhận: Lặng thầm nhưng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, lực lượng Pháp chế Công an Tuyên Quang đã và đang khẳng định vai trò tiên phong, vị trí quan trọng của mình trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Những năm gần đây, với phương châm “Đổi mới - Chuyên nghiệp - Hiệu quả”, lực lượng Pháp chế Công an Tuyên Quang đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh và Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chuyên đề công tác pháp chế, theo dõi thi hành pháp luật, thực hiện dân chủ; xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; công tác cải cách hành chính, tư pháp...; duy trì tốt các mô hình, phong trào tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng chí Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Tham mưu – phụ trách công tác Pháp chế, Công an tỉnh cho biết: “Chúng tôi luôn xác định công tác pháp chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Vì vậy, đơn vị thường xuyên đổi mới phương pháp làm việc, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ; trọng tâm là triển khai thực hiện tốt Đề án số 08/ĐA-BCA ngày 14/3/2023 của Bộ Công an về xây dựng lực lượng pháp chế và CCHC, tư pháp Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Lực lượng Pháp chế Công an Tuyên Quang đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh, UBND và HĐND tỉnh Tuyên Quang xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế, pháp lý trong công tác đảm bảo an ninh trật tự; trong đó nổi bật trong năm 2024 là hoàn thành tham mưu ban hành 02 văn bản quy phạm pháp luật: Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐND ngày 01/7/2024 của HĐND tỉnh Quy định tiêu chí thành lập, số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; mức hỗ trợ, bồi dưỡng, mức chi đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và số lượng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Quyết định số 219/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quy định số lượng Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang..
Chủ động tham mưu tổ chức phổ biến, triển khai các luật, Nghị quyết mới được Quốc hội khoá XV thông qua tại các Kỳ họp, trọng tâm là: Luật Căn cước, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.... Tham mưu tổ chức 02 Hội nghị của Công an tỉnh tuyên truyền, lấy ý kiến đóng góp vào các dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo và tham mưu phối hợp tổ chức 04 Hội nghị về lấy ý kiến góp ý xây dựng các dự án luật dự kiến trình tại Kỳ họp thứ 7, 8 Quốc hội khóa XV. Công tác sơ kết, tổng kết, hướng dẫn việc thi hành các bộ luật, luật và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến công tác nghiệp vụ cũng được thực hiện đầy đủ, đạt kết quả tốt; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện cũng như các bất cập từ quy định pháp luật trong thực tiễn thi hành để tổng hợp, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền một số biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả các mặt công tác công an, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn thi hành.
Kịp thời tham mưu kiện toàn Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp; Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật của Công an tỉnh Tuyên Quang; Tổ Nghiên cứu, biên tập của Công an tỉnh để thực hiện việc tiếp nhận, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình tác động đến an ninh trật tự làm cơ sở tham mưu các giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, tham gia góp ý hàng trăm dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân, đảm bảo phù hợp yêu cầu, thực tiễn công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng trong tình hình mới…; thẩm định các văn bản quy phạm (quy định, quy trình, quy chế công tác...) do Công an các đơn vị, địa phương tham mưu, soạn thảo, trình Giám đốc Công an tỉnh ký ban hành.
Đặc biệt là công tác tham mưu, triển khai hiệu quả nhiều mô hình về cải cách hành chính và hiện đại hóa hành chính trong Công an Tuyên Quang như: Cải cách hành chính tại Bộ phận Một cửa Công an cấp phòng, cấp huyện; Quản lý, giám sát công tác giải quyết TTHC tại Công an cấp huyện; Phòng tiếp công dân của Công an cấp xã; Văn thư Công an tỉnh, Công an thành phố kiểu mẫu;... Nổi bật trong đó là mô hình “Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khảo sát, đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện giải quyết thủ tục hành chính thuộc chức năng của lực lượng Công an Tuyên Quang thông qua Hệ thống máy khảo sát, đánh giá tự động”, đã được công nhận sáng kiến trong Công an Tuyên Quang năm 2024 (theo Quyết định số 4427/QĐ-CAT-TM ngày 17/6/2024 của Giám đốc Công an tỉnh) và được UBND tỉnh công nhận hiệu quả áp dụng, khả năng nhân rộng của sáng kiến trong tỉnh Tuyên Quang (theo Quyết định số 1016/QĐ-UBND ngày 28/8/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh).
Qua đó, công tác cải cách hành chính của Công an Tuyên Quang luôn được Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao, với 06 năm liên tiếp (từ năm 2019 đến nay) được xếp hạng Xuất sắc; chỉ hài lòng của người dân về giải quyết TTHC trong CAND tại Công an tỉnh Tuyên Quang nhiều năm liền đạt luôn được giữ vững trên 90%; công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an luôn được triển khai thực hiện tốt, đúng quy định.
Những thành tích đạt được trong thời gian qua đã minh chứng cho vai trò ngày càng quan trọng của lực lượng Pháp chế Công an Tuyên Quang trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
3. Không ngừng nâng cao, đổi mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Pháp chế nói riêng cần tiếp tục phát huy vai trò “gác cổng” pháp luật, đổi mới mạnh mẽ phương pháp làm việc, nâng cao chất lượng tham mưu và hiệu quả công tác pháp chế.
Trước yêu cầu đó, lực lượng Pháp chế Công an tỉnh Tuyên Quang xác định sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp làm việc, nâng cao chất lượng tham mưu và hiệu quả công tác pháp chế; với ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng, hoàn thiện đội ngũ cán bộ pháp chế chuyên nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Do đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng Pháp chế Công an tỉnh Tuyên Quang luôn không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ nghiệp vụ; phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác chuyên môn, tích cực đổi mới, năng động, sáng tạo trên mọi mặt công tác, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực xây dựng sự nghiệp pháp chế Công an nhân dân nói chung và trong Công an Tuyên Quang nói riêng ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.
Phòng Tham mưu