Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Luật Dữ liệu, dự kiến trình Quốc hội Khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Trong dự thảo luật có nhiều điểm mới; đáng chú ý, có quy định về Phân loại dữ liệu tại Điều 9.
Theo đó, dữ liệu sẽ được phân loại theo 05 nhóm, cụ thể, Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội thiết lập hệ thống phân loại dữ liệu dựa trên yêu cầu quản lý, xử lý, bảo vệ dữ liệu, bao gồm nhưng không giới hạn theo các nhóm phân loại sau:
- Phân loại theo tính chất chia sẻ dữ liệu gồm: Dữ liệu dùng chung, dữ liệu dùng riêng, dữ liệu mở;
- Phân loại theo đối tượng phản ánh của dữ liệu gồm: Dữ liệu cá nhân, dữ liệu phi cá nhân;
- Phân loại theo cách thức tạo lập dữ liệu gồm: Dữ liệu gốc, dữ liệu tổng hợp;
- Phân loại theo tính chất quan trọng của nội dung dữ liệu, mức độ nguy hại nếu bị thay đổi, phá hủy, rò rỉ, giả mạo, sử dụng hoặc chia sẻ trái phép, gồm: Dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng, dữ liệu khác;
- Phân loại dữ liệu theo lĩnh vực.
Thiết lập hệ thống phân loại dữ liệu dựa trên yêu cầu quản lý, xử lý, bảo vệ dữ liệu.
Bên cạnh đó, dự thảo luật quy định, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành danh mục dữ liệu quan trọng, dữ liệu thuộc lĩnh vực quản lý.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dữ liệu cốt lõi, trừ dữ liệu do Bộ Quốc phòng quản lý.
Khuyến kích tổ chức, cá nhân áp dụng việc phân loại dữ liệu như trên.
Lê Hòa (Nguồn: Trang TTĐT Phổ biến GDPL BCA)