ĐỒNG LÒNG ĐẤU TRANH CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ, TIÊU CỰC 

11/11/2024 - 07:57
124

Ngày 13/10, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa có bài viết “Chống lãng phí”, trong đó khẳng định “Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách”.

Trước đó, ngày 14/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tổ chức phiên họp thứ 26 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo. Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cùng sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả của các cơ quan chức năng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh quyết liệt, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường, củng cố thêm niềm tin của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn có hại nhiều hơn. Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến…”. Cho đến thời điểm hiện nay, trong nhận thức của không ít người, chưa thấy hết tác hại vô cùng lớn của lãng phí. Để góp phần khắc phục tình hình này, bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã hệ thống lại những việc Đảng và Nhà nước đã triển khai thực hiện xoay quanh vấn đề này, cùng sự lý giải tình hình với những diễn biến cụ thể trên mọi lĩnh vực với mức độ khác nhau của tình trạng lãng phí hiện nay. Đồng thời, xác định những giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ để từng bước khắc phục thực trạng trên, góp phần tạo nguồn lực đưa đất nước bước vào thời kỳ mới, kỷ nguyên cho sự phát triển đột phá của đất nước.

Lãng phí vô hình tồn tại trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, không giản đơn, dễ nhận biết như lãng phí trong tiêu dùng sử dụng cơ sở vật chất từ trong bộ máy Nhà nước đến tiêu dùng và sinh hoạt của toàn xã hội. Lãng phí từ trong quá trình xây dựng pháp luật, ra các chủ trương, chính sách, các quyết định, rồi sửa luật, điều chỉnh các chủ trương, chính sách, các quyết định… mà chưa được sự suy xét cẩn trọng, khó hòa nhập vào cuộc sống, gây ách tắc trong quản lý, điều hành của Nhà nước, làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người dân.

Trước tình hình trên, các cơ quan nội chính, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, công an, quân đội, kiểm sát, tòa án, tư pháp đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, phát hiện nhiều vụ việc chưa từng có. Chủ động nhận diện, xác định những lĩnh vực trọng điểm, khởi tố mới, mở rộng điều tra làm rõ bản chất tham nhũng, chiếm đoạt cấu kết, lợi ích nhóm, kiên quyết xử lý sai phạm, những vụ việc tồn đọng kéo dài, vụ việc mới phát sinh liên quan đến nhiều ngành, địa phương. Các vụ án được xử lý với mức án nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, kiên quyết xử lý trách nhiệm chính trị, người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong lĩnh vực, địa phương, cơ quan được phân công quản lý, phụ trách, vi phạm trách nhiệm nêu gương, những điều đảng viên không được làm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, không vì đẩy mạnh công tác này mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội. Ở một khía cạnh khác, chậm thực thi, thậm chí không thực thi những chủ trương, nghị quyết, những quyết sách… đã được xác định, đặc biệt là những dự án mang tầm cỡ quốc gia mang tính đột phá đúng thời cơ cho sự phát triển của đất nước, do những nhận định đánh giá chưa sát thực tiễn, mang tính cầu toàn; sau một thời gian dài lại khởi động triển khai. Đây là một sự lãng phí với những tổn thất vô cùng to lớn, vô hình về nhiều mặt, mà không ai chịu trách nhiệm. Trong chống lãng phí, đây là điều cần xem xét nghiêm túc, rút ra những bài học từ khâu lãnh đạo, chỉ đạo cho đến việc tiếp thu có chọn lọc ý kiến của dư luận xã hội để không bỏ lỡ những cơ hội lịch sử trong tương lai.

Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 21-8-2006, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã khẳng định chống lãng phí cũng rất quan trọng như chống tham nhũng. Lãng phí thực sự là hiểm hoạ của đất nước, nên phải kiên quyết đấu tranh loại trừ. Điều đó càng cấp thiết khi chúng ta bước vào kỷ nguyên mới. 

Để quán triệt, cụ thể hoá nội dung về bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm, trong thời gian tới đối với lực lượng Công an cần thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1) Nâng cao nhận thức của Công an các đơn vị, địa phương, cán bộ, chiến sĩ trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, giải pháp về thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền cũng như thanh tra, kiểm tra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với cơ chế khen thưởng, kỷ luật kịp thời nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và tổ chức thực hiện tại Công an các đơn vị, địa phương.  

2) Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Ứng dụng công nghệ thông tin, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành; Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công an về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hằng năm trong CAND; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý tài chính, tài sản công trong CAND. 

3) Nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý (chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, định mức) và cơ chế quản lý tài chính công đảm bảo đồng bộ, thống nhất, phù hợp với mô hình tổ chức và đặc thù của lực lượng CAND làm cơ sở cho thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.  

4) Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quán triệt thực hiện nghiêm các nguyên tắc công khai, dân chủ và yêu cầu thực hiện triệt để tiết kiệm ngay từ khâu xác định nhiệm vụ; sắp xếp các khoản chi và thứ tự ưu tiên thực hiện theo mức độ cấp thiết và khả năng triển khai thực hiện; chỉ thẩm định thông qua, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi thực sự cần thiết và có nguồn lực bảo đảm. 

5) Quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công gắn với sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả. Quản lý chặt chẽ công tác thanh quyết toán, kiên quyết thu hồi các khoản chi không đúng quy định. 

6) Tiếp tục thực hiện cải cách chính sách tiền lương; bố trí, sắp xếp cơ cấu lại đội ngũ cán bộ theo 4 cấp Công an bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế trong CAND theo Kế hoạch số 372/KH-BCA X01 ngày 31/10/2019 của Bộ Công an.

Trong những tháng cuối năm 2024 và thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, mà phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo đúng phương châm “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải gắn với việc tổ chức tốt đại hội đảng các cấp và Đại hội lần thứ XIV của Đảng, không để lọt vào cấp ủy những trường hợp tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật...

T/h: Lý Lan - Ngọc Tuyên

bình luận

Tìm kiếm
Trình duyệt được hỗ trợ
Firefox
Chrome
congannhandan.png

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CÔNG AN TỈNH TUYÊN QUANG

Giấy phép xuất bản số: 142/GP-TTĐT ngày 19/12/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông.
Người chịu trách nhiệm nội dung: Đại tá Phạm Kim Đĩnh, Trưởng Ban biên tập
Trụ sở: Tổ 10, Phường An Tường, thành phố Tuyên Quang, Tỉnh Tuyên Quang.
Điện thoại: 069.2526.112
 
© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'www.tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Công an tỉnh Tuyên Quang Chung nhan Tin Nhiem Mang