Thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, người dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã thể hiện ý chí, nguyện vọng của bản thân thông qua việc tham gia góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp qua ứng dụng VNeID.
Công an xã Minh Quang (Lâm Bình) đến từng hộ gia đình hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng VNeID để góp ý Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Cùng với cả nước, công tác lấy ý kiến Nhân dân sửa đổi, bổ sung Hiến pháp qua ứng dụng VNeID được cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang quan tâm, coi đây là sự kiện chính trị sâu rộng của toàn xã hội. Thượng tá Đặng Đình Cường, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết: Đây là điểm nổi bật, cũng là lần đầu tiên Quốc hội cho phép lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thông qua ứng dụng định danh điện tử quốc gia VneID. Đơn vị đã tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an toàn tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng nhân khẩu” để tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện góp ý vào Dự thảo Nghị quyết bảo đảm hiệu quả, theo đúng tiến độ.
Công an tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã, phường, thị trấn phối hợp, chỉ đạo tuyên truyền rộng rãi trên tất cả các kênh thông tin để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, vận động thân nhân trong gia đình và người thân, tham gia ý kiến với Dự thảo Nghị quyết qua ứng dụng VNeID. Điều đáng mừng qua hơn 1 tuần triển khai thực hiện việc lấy ý kiến qua VNeID đã được sự hưởng ứng tích cực từ người dân. Toàn tỉnh phấn đấu đến ngày 25/5/2025, 100% công dân đã cài VNeID, ở mức độ 2, gần 400 nghìn công dân tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp qua VNeID.
Việc sử dụng nền tảng số giúp quá trình lấy ý kiến diễn ra nhanh chóng, tiện lợi và chính xác, góp phần vào việc xây dựng Hiến pháp phù hợp hơn với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời đại số. Ông Ma Công Khâm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm (Lâm Bình) cho biết: Xã đã chỉ đạo các Tổ công nghệ số cộng đồng và Công an xã “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng trường hợp” vận động người dân tham gia, góp ý sửa đổi Hiến pháp. Mục tiêu của công tác này là đạt được tỷ lệ tham gia cao nhất, đảm bảo ý kiến người dân được ghi nhận đầy đủ trên hệ thống. Ngoài ra, người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính tại xã cũng được tuyên truyền, vận động và hỗ trợ tận tình để tham gia góp ý.
Lực lượng Công an xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) hướng dẫn người dân góp ý về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Bà Đinh Thị Đoàn ở thôn 3, xã Tân Long (Yên Sơn) chia sẻ, bà được Công an xã, đoàn xã thông tin đầy đủ các vấn đề cần lưu ý khi sử dụng điện thoại thông minh truy cập ứng dụng VNeID để bày tỏ quan điểm, góp ý đối với dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
Bà Quan Thị Hoanh, thôn Lũng Giềng, xã Xuân Lập (Lâm Bình) cho biết: Được Công an xã đến tận gia đình hướng dẫn, chỉ với chiếc điện thoại thông minh tôi đã đóng góp ý kiến qua ứng dụng VNeID mức 2 rất dễ dàng, chỉ vài phút là xong. Tôi thấy việc góp ý sửa đổi Hiến pháp rất cần thiết, giúp người dân có thể nói lên được nguyện vọng của mình.
Việc ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là nền tảng VNeID trong lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013 không chỉ thể hiện bước tiến trong đổi mới phương thức tiếp nhận ý kiến Nhân dân mà còn góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của quá trình hoàn thiện thể chế pháp luật. Với sự đồng thuận và tham gia tích cực của người dân cùng sự chỉ đạo quyết liệt của các địa phương, việc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp sẽ phản ánh đúng nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững, thịnh vượng của đất nước trong tương lai./.
Ban Biên tập