Nắm được thực trạng cơ sở kinh doanh không có sẵn mặt hàng với số lượng lớn, đối tượng giả mạo là giáo viên tiếp tục cung cấp số điện thoại của một công ty có trụ sở ở tỉnh thành khác cũng kinh doanh mặt hàng này, đề nghị chủ cơ sở kinh doanh liên hệ để lấy nguồn hàng. Thực chất đây là số điện thoại của một đối tượng khác tham gia lừa đảo.
Khi được chủ cơ sở kinh doanh liên lạc, bọn chúng gửi ảnh hàng mẫu, báo giá rẻ hơn so với thị trường, tiếp tục hứa hẹn chia hoa hồng cao cho chủ cơ sở kinh doanh nếu đơn hàng được giao dịch thành công. Lúc này, đối tượng giả danh giáo viên liên tục giục lấy đơn hàng gấp. Khi nạn nhân yêu cầu chuyển khoản đặt cọc, chúng sử dụng photoshop để tạo ra các bức ảnh thông báo giao dịch thành công gửi cho cơ sở kinh doanh và đưa ra lý do hệ thống ngân hàng lỗi hoặc nghẽn mạng nên tiền chưa đến nơi.
Mặt khác, đối tượng giả danh công ty đối tác liên tục yêu cầu cơ sở kinh doanh chuyển khoản tiền đặt cọc để kịp sản xuất mặt hàng, nếu không sẽ không kịp gom đủ hàng hoặc mặt hàng bị tăng giá để đánh vào tâm lý ham lợi nhuận của nạn nhân. Trên thực tế, rất nhiều chủ cơ sở kinh doanh đã ứng tiền đặt cọc, chuyển khoản từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng cho các đối tượng lừa đảo. Sau vài giờ đồng hồ không nhận được tiền về tài khoản từ phía đối tượng giả danh giáo viên, chủ cơ sở kinh doanh gọi điện cho cả 2 số điện thoại phía đặt hàng và phía giao hàng đều không thể liên lạc được. Lúc này, nạn nhân mới biết mình đã mắc lừa.
Công an tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo các cơ quan, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cần nâng cao ý thức cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản như trên. Đồng thời, khi giao dịch mua bán trên không gian mạng cần phải thận trọng, kiểm tra kỹ thông tin trực tiếp với đơn vị, cá nhân mua hàng. Khi phát hiện hoặc có thông tin liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm nêu trên đề nghị trình báo đến cơ quan Công an nơi gần nhất để được kịp thời giải quyết.