Người bị hại nhận được cuộc điện thoại “số điện thoại lạ”, thông báo có đơn hàng, hẹn gặp nạn nhân để giao hàng (trong khi nạn nhân không đến được địa điểm giao) và gửi số tài khoản để người nhận chuyển tiền thanh toán.
Sau khi chuyển tiền xong, đối tượng tiếp tục gọi điện thông báo và gửi nhầm số điện thoại của hệ thống nên đề nghị được chuyển lại tiền cho người nhận, sau đó gửi link facebook để người nhận truy cập và thực hiện thao tác chuyển lại tiền hàng cho đối tượng.
Sau khi nạn nhân truy cập vào đường link facebook đó, các đối tượng hướng dẫn các thao tác chuyển tiền trên điện thoại, từ đó chiếm đoạt quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Đây là hình thức không mới, nhưng thủ đoạn tinh vi nên không ít người dân đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đặc điểm chung của phương thức lừa này là đối tượng thường chọn thời điểm giờ hành chính để gọi điện cho nạn nhân. Khi đó, các nạn nhân thường không ở nhà hoặc trong thời gian làm việc không tiện nghe máy, đối tượng sẽ nói đã gửi hàng cho người quen, hàng xóm, bạn bè và yêu cầu chuyển tiền thanh toán đơn hàng qua đường link. Nhận được tiền các đối tượng sẽ chiếm đoạt và cắt đứt liên lạc. Một số trường hợp nạn nhân nhấn vào đường link do các đối tượng gửi sẽ bị chiếm quyền điều khiển thiết bị di động, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Một số biện pháp phòng tránh mà người dân cần lưu ý:
- Khi nhận hàng cần kiểm tra đúng sản phẩm đơn hàng mình đặt, đồng kiểm với shipper trước khi thanh toán.
- Không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận chuyển đơn hàng và thông tin người nhận.
- Tuyệt đối không đăng nhập vào các đường link nào do người lạ gửi để tránh mắc bẫy lừa đảo.
- Khi phát hiện bất thường, phải ngừng giao dịch và báo các ngay với cơ quan Công an gần nhất để kịp thời giải quyết theo quy định của pháp luật.
Hoàng Đức Nam-KTHS