Ngay sau thay đổi này, trên mạng xã hội, nhiều tài khoản chia sẻ thông tin chụp lại căn cước đã được cập nhật theo tiêu chuẩn mới và tên địa phương mới sau quá trình sáp nhập tỉnh như một cách “bắt trend” và thể hiện sự hào hứng. Tuy nhiên, hành động tưởng như vô hại này lại tiềm ẩn nguy cơ rất lớn: Lộ lọt dữ liệu cá nhân, bị kẻ gian lợi dụng để lừa đảo, giả mạo, chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng danh tính của chính chủ để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Với sự phát triển của công nghệ nhận diện hình ảnh, trí tuệ nhân tạo (AI), các hệ thống có thể tự động phân tích và thu thập thông tin từ ảnh chụp CCCD, bao gồm: 1.Họ tên 2. Số CCCD 3. Quê quán – địa chỉ thường trú 4. Mã QR, mã số định danh…
Các dữ liệu này khi bị thu thập có thể được sử dụng để: 1. Dựng hồ sơ giả,… 2. Mạo danh mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử,… 3. Lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn,… 4. Làm giả giấy tờ để vay nợ hoặc chiếm đoạt tài sản,…
Theo thống kê của Bộ Công an, chỉ riêng trong năm 2024 đã phát hiện hơn 6.000 vụ việc lừa đảo liên quan đến giả mạo thông tin cá nhân, với thiệt hại hơn 12.000 tỷ đồng.
Công an tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo người dân cần tỉnh táo khi sử dụng mạng xã hội, nâng cao cảnh giác, sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, an toàn:
- Tuyệt đối không chia sẻ hình ảnh CCCD hay bất kỳ giấy tờ cá nhân nào lên các nền tảng công khai
- Nếu buộc phải đăng, hãy che kỹ các thông tin như số căn cước, địa chỉ, mã QR.
- Kiểm tra kỹ các quyền riêng tư khi đăng bài và luôn cảnh giác với các liên hệ (cuộc gọi, tin nhắn) bất thường khi có liên quan đến thông tin cá nhân vừa bị chia sẻ.
Thực hiện: Ngọc Trường