Trung tá Triệu Mạnh Tùng cho biết, việc mạo danh các cơ quan chức năng như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân đã được các đối tượng xấu sử dụng trong khoảng 10 năm trở lại đây, và loại hình tội phạm này có những sự chuyển biến, cập nhật phương thức rất nhanh.
Đồng chí Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết thêm, với chủ trương của Chính phủ thúc đẩy phổ biến ứng dụng VNeID phục vụ các tiện ích cho người dân, các đối tượng thường mạo danh cán bộ công an cấp phường, xã yêu cầu người dân cập nhật Định danh mức 2, qua đó lừa các nạn nhân cài các ứng dụng giả mạo, có chứa mã độc lên thiết bị, sau đó chiếm quyền điều khiển thiết bị và thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản.
Vừa qua, lợi dụng việc Bộ Công an phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai thực hiện Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023, trong đó có các quy định về yêu cầu xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch từ trên 10 triệu đồng, các đối tượng đã ngay lập tức chuyển sang phương thức giả mạo nhân viên ngân hàng yêu cầu người dân tải ứng dụng ngân hàng giả mạo để cập nhật dữ liệu sinh trắc học…
Tuy nhiên, mặc dù Bộ Công an và các ban, ngành liên quan đã và đang có nhiều biện pháp để phòng ngừa, đấu tranh với loại hình tội phạm này, các quy định hiện tại vẫn còn những bất cập, sơ hở để các đối tượng lợi dụng phạm tội. Cụ thể, Quyết định số 2345/QĐ-NHNN chưa yêu cầu xác thực sinh trắc học đối với loại hình tài khoản doanh nghiệp, do đó các đối tượng thường xuyên lợi dụng loại tài khoản này để thực hiện hành vi phạm tội.
Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an trả lời tại buổi họp báo.
Nhằm phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi trên, Bộ Công an đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của loại hình tội phạm này nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của người dân; kiến nghị Chính phủ hoàn thiện các cơ sở pháp lý, không để tồn tại các sơ hở, thiếu sót để các đối tượng lợi dụng; phối hợp với ngân hàng nhà nước các đơn vị chức năng ngăn chặn, xử lý dòng tiền của các đối tượng lừa đảo; phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai việc xác thực, định danh đối với các tài khoản, thuê bao trên các lĩnh vực thông tin, viễn thông… tiến tới định danh toàn bộ hệ thống truy cập internet, góp phần xác minh, làm rõ các đối tượng vi phạm.
Tăng cường phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài như Meta, Google, Amazon, Apple… để triển khai các biện pháp sàng lọc, xác thực thông tin, xóa bỏ các trang web, các ứng dụng giả mạo. Triển khai đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực phòng chống các loại hình tội phạm công nghệ cao cho công an các đơn vị, địa phương,…
* Liên quan đến công tác phòng ngừa tình trạng lộ, mất dữ liệu, Trung tá Triệu Mạnh Tùng cho biết, Bộ Công an đang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời tham mưu Chính phủ xây dựng Luật Bảo vệ Dữ liệu cá nhân, dự kiến trình Quốc hội khóa XV thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10, đồng thời nhấn mạnh đây là giải pháp căn cơ, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Ngoài ra, Bộ Công an tiếp tục thường xuyên phối hợp với các cơ quan, tổ chức tiến hành rà soát, đánh giá về đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin trong việc vận hành các hệ thống thông tin; thường xuyên tổ chức nắm tình hình, xác minh các nhóm đối tượng hoạt động mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân trên các nền tảng kín như Telegram, Viber, Zalo,… và xử lý khi đủ căn cứ theo quy định.
Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công an